Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe không bảo đảm an toàn: Ngừng hoạt động!

Nhóm phóng viên| 14/07/2020 06:21

(HNM) - Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sẽ tịch thu phương tiện vĩnh viễn với các hành vi như: Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định; không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của phương tiện... Tuy nhiên, bên cạnh biện pháp mạnh của cơ quan chức năng - xe không bảo đảm an toàn phải ngừng hoạt động, vẫn cần sự nâng cao ý thức của người dân nhằm hạn chế vi phạm, tai nạn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lập biên bản, thu giữ xe 3 bánh tự chế.

Nhiều phương tiện không bảo đảm an toàn

Do cần có một chiếc xe máy để đi làm hằng ngày, cuối năm 2019, anh Nguyễn Văn Giang (quê ở xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) tìm mua một chiếc xe tự chế có biển kiểm soát 29D1-336.89 với giá 10 triệu đồng nhưng chỉ làm thủ tục mua bán viết tay, không sang tên chính chủ. Khi đang lưu thông trên đường Láng Hạ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) hồi cuối tháng 6-2020, anh Giang bị Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh (Công an quận Đống Đa) kiểm tra, phát hiện số khung, số máy trong đăng ký xe không trùng khớp với số khung, số máy thực tế của phương tiện. Vụ việc đã được bàn giao cho Công an phường Láng Hạ lập biên bản, xử lý và tiến hành tịch thu phương tiện vĩnh viễn.

Trong bãi giữ xe của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Hà Cầu - Thăng Long (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) có một khu vực để chồng chất nhiều xe ba bánh đã hoen gỉ, trơ trọi khung sắt vì lưu bãi quá lâu không có người đến nhận lại. Theo ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Hà Cầu - Thăng Long, trung bình mỗi năm, bãi giữ xe tiếp nhận khoảng 10 chiếc xe ba bánh được các đội Cảnh sát giao thông xử lý chuyển đến. Tuy số lượng xe ba bánh bị tạm giữ không nhiều so với số phương tiện vi phạm khác nhưng lại có thời gian lưu bãi lâu nhất bởi phương tiện tự chế này không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe hợp pháp để làm thủ tục lấy xe ra.

"Tôi rất đồng tình với quy định tịch thu phương tiện vĩnh viễn đối với những lỗi vi phạm đã được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP nhằm bảo đảm an toàn và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giảm tải cho các bãi giữ xe vi phạm", ông Nguyễn Văn Thốn nói.

Còn bà Nguyễn Hồng Phúc (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) nhìn nhận: "Quy định tịch thu phương tiện vĩnh viễn đối với những xe hết hạn sử dụng, không chứng minh được nguồn gốc... là rất cần thiết trong bối cảnh tai nạn giao thông diễn biến phức tạp như hiện nay. Biện pháp kiên quyết này sẽ giúp ngăn chặn được nguồn nguy cơ gây mất an toàn giao thông".

Xe máy lắp ráp trái quy định, không chứng minh được nguồn gốc... bị lực lượng Cảnh sát giao thông thu giữ. Ảnh: Ngọc Dương

Nâng cao ý thức người dân

Đại úy Phan Quỳnh Anh, Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội nói chung và Đội Cảnh sát giao thông số 3 nói riêng đã tịch thu khá nhiều phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ mắc các lỗi quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trong đó, vi phạm nhiều nhất tại địa bàn đội quản lý là các hành vi sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa, hết hạn sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; xe gắn biển kiểm soát không đúng với giấy đăng ký; xe sản xuất, lắp ráp trái quy định...

"Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kể trên đã và đang góp phần hạn chế tai nạn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, khó nhất trong quá trình xử lý vi phạm hiện nay là hầu hết chủ phương tiện sẵn sàng "bỏ của chạy lấy người" dẫn đến việc xử lý hành chính khó thực hiện được", Đại úy Phan Quỳnh Anh cho hay.

Trong khi đó, Đại úy Hoàng Văn Bình, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020, Đội Cảnh sát giao thông số 15 đã tạm giữ hơn 100 phương tiện vi phạm các quy định về nguồn gốc, xuất xứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều người có hành vi vi phạm chưa hợp tác để xác định chính chủ phương tiện. Việc này dẫn đến chính họ sẽ gặp thiệt thòi khi bị xử lý vi phạm và tịch thu phương tiện bởi không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe. Vì vậy, người mua - bán xe cần tự giác làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện để tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng quản lý phương tiện.

Thượng úy Phan Đức Hùng, Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, việc tịch thu vĩnh viễn phương tiện buộc người điều khiển phương tiện phải cân nhắc giữa việc chấp hành pháp luật hay sẽ bị tịch thu phương tiện; khi đó họ sẽ có lựa chọn đúng đắn.

Có thể thấy, bên cạnh các quy định, biện pháp mạnh mẽ của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần nắm chắc các quy định pháp luật hiện hành và chấp hành nghiêm chỉnh để không bị thiệt hại về kinh tế, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe không bảo đảm an toàn: Ngừng hoạt động!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.