Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí tự động không dừng sắp ''về đích''

Tuấn Lương| 05/12/2020 06:20

(HNM) - Những vướng mắc về cơ chế đầu tư, nguồn vốn cũng như giải pháp thanh toán cho người sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng đang dần được cơ quan chức năng tháo gỡ. Đây là tiền đề quan trọng để dự án thu phí tự động không dừng có thể “về đích”, vận hành trước ngày 31-12-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thu phí tự động không dừng giúp minh bạch và thuận lợi cho các phương tiện. Ảnh: Huy Hùng

Cơ bản đáp ứng tiến độ

Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, đến nay, dự án thu phí tự động không dừng (ETC) đã có những bước chuyển biến tích cực.  

Đại diện nhà đầu tư dự án giao thông đang lắp đặt thiết bị ETC tại trạm thu phí, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Phan Văn Thắng cho biết, tập đoàn đã triển khai hệ thống ETC tại 3 trạm, gồm trạm Km93 - quốc lộ 1, trạm cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và trạm Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đối với các trạm còn lại, gồm trạm Ninh Lộc (dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Đèo Cả - Khánh Hòa), trạm Đèo Cả, Cù Mông (dự án mở rộng hầm Đèo Cả qua quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên), mặc dù gặp nhiều khó khăn, song để bảo đảm tiến độ, tập đoàn đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, chủ động kinh phí để hoàn thiện hệ thống trong tháng 12-2020.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, tính đến hết tháng 11-2020, giai đoạn 1 (gồm các trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc) đã có 40/44 trạm thu phí triển khai và vận hành hệ thống ETC. Các công việc tiếp theo đang được hoàn thiện, như dán thẻ thu phí tự động không dừng (E-tag), phân luồng giao thông cho phương tiện sử dụng dịch vụ ETC. 4 trạm còn lại thuộc hệ thống đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, tuy Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lùi sau ngày 31-12-2020 nhưng Bộ vẫn tiếp tục tìm cách tháo gỡ nguồn vốn để thực hiện đầu tư thu phí ETC sớm.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, trong tổng số 33 trạm thu phí thuộc giai đoạn 2, 8 trạm có tính chất đặc thù đã kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để bảo đảm hiệu quả vận hành. 25 trạm đủ điều kiện sẽ hoàn tất việc lắp đặt thiết bị để triển khai thu phí ETC trước ngày 31-12-2020.

“Hiện nay, dự án thu phí ETC đã cơ bản khắc phục được những khó khăn về cơ chế đầu tư, nguồn vốn, giải pháp thanh toán… để hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (địa phận tỉnh Hưng Yên) đã triển khai thu phí tự động không dừng. Ảnh: Tuấn Khải

Kết nối liên thông, thanh toán thuận tiện

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ chủ phương tiện dán thẻ E-tag, thậm chí miễn phí cho các phương tiện dán thẻ lần đầu, song đến nay, tỷ lệ xe dán thẻ vẫn khá thấp. Hiện cả nước mới có hơn 900.000 ô tô dán thẻ E-tag trên tổng số 3,5 triệu xe. Tuy nhiên, ngay cả trong số những xe đã dán thẻ cũng có rất nhiều chủ xe không nạp tiền để thanh toán phí ETC.

Lý giải việc không mặn mà với việc dán thẻ E-tag, anh Phạm Minh Hương (số 278 đường Thanh Bình, quận Hà Đông) cho rằng, việc dán thẻ chưa thực sự thuận tiện. “ETC hiện mới chỉ lắp đặt tại một số trạm, do đó khi đi qua các trạm khác nhau đều phải mất thời gian quan sát xem có ETC hay không; nhiều khi đi nhầm làn lại phải dừng để giải thích, phải lùi lại để chuyển làn hoặc thanh toán tiền mặt… dẫn đến ùn tắc, gây ảnh hưởng tới các phương tiện khác. Ngoài ra, tôi cũng chưa rõ các trạm được đầu tư ở hai giai đoạn khác nhau thì có đồng bộ về công nghệ và tiện lợi trong thanh toán không?”, anh Hương chia sẻ.

Trước những băn khoăn của người dân, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, để phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống ETC, tạo thuận lợi cho người sử dụng, dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành việc kết nối liên thông tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Hiện, dịch vụ tiếp tục được mở rộng sang các ngân hàng khác. Đối với giai đoạn 2, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đang kết nối liên thông với các ngân hàng thông qua ví điện tử ViettelPay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước ngày 31-12-2020. Phía ngân hàng sẽ thực hiện các quy định nhằm tạo điều kiện cho người dân dùng tài khoản cá nhân để thanh toán thuận tiện thay vì người sử dụng dịch vụ phải nạp tiền cố định vào tài khoản giao thông như hiện nay.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đến ngày 31-12-2020, nhà đầu tư nào không lắp hệ thống thu phí ETC sẽ phải dừng thu phí. Đây là giải pháp mạnh để yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện. Trường hợp ô tô không có thẻ cố tình đi vào làn ETC sẽ bị xử phạt. “Nhiều người khi chưa dán thẻ còn băn khoăn nhưng khi đã thực hiện mới thấy hết tiện ích vì không phải chờ đợi, không mất thời gian dừng xe, giảm ùn tắc, giúp tham gia giao thông văn minh hơn”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí tự động không dừng sắp ''về đích''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.