Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viện Kiểm sát thay đổi quan điểm trong bản án Vinasun kiện Grab

Hà Phạm| 18/02/2019 19:59

(HNMO) - Theo quan điểm của Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh trong kháng nghị bổ sung số 07/QĐ-VC3-KDTM, hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật.

Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên Grab bồi thường thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun.


Theo quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh trong kháng nghị bổ sung số 07/QĐ-VC3-KDTM, hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. Bởi, theo luận cứ mà Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đưa ra thì Grab được Bộ Giao thông - Vận tải cho phép tham gia “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT (gọi tắt là Đề án 24).

Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao cho rằng, hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. Thế nên, bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là không có cơ sở.

Trong quá trình xét xử, ngày 28-12-2018, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phát biểu quan điểm bổ sung về vụ kiện khi đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Lý do là dù Grab có những vi phạm pháp luật, Vinasun có thiệt hại xảy ra, trên thực tế thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu của Vinasun nhưng Vinasun không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây thiệt hại cho Vinasun.

Trước đó, ngày 24-10-2018, quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh là chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun và phải bồi thường một lần. Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun về giảm lợi nhuận.

Trong khi đó, tại bản án mà Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra ngày 28-12-2018 nêu rõ, mặc dù được cấp phép hoạt động theo Đề án 24 là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, nhưng trên thực tế, Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải taxi, kinh doanh không đúng theo Đề án 24; vi phạm nghiêm trọng Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ; vi phạm Khoản 4, Điều 9, Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4-4-2006 của Chính phủ (khuyến mại trái pháp luật).

Theo Đề án 24, Grab được cấp phép là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối giữa hành khách và đơn vị vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Thế nhưng, thực tế, Grab trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại cho khách hàng sử dụng các loại hình Grab; thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe; xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm quy chế do Grab đặt ra... Bên cạnh đó, Grab còn cung cấp dịch vụ Grabshare (đi chung xe) không nằm trong phạm vi dịch vụ của Đề án 24 cho phép.

Từ các chứng cứ pháp lý, tranh tụng tại phiên tòa và lời khai của các nhân chứng là các hợp tác xã vận tải, các vi bằng được thiết lập, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh nhận định, Grab trong thời gian thực hiện Đề án 24 đã vi phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Đề án 24. Bộ Giao thông - Vận tải cần xem xét Grab là doanh nghiệp vận tải để có chính sách quản lý phù hợp và sửa đổi nội dung Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện đề án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viện Kiểm sát thay đổi quan điểm trong bản án Vinasun kiện Grab

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.