Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc cách mạng lớn làm thay đổi ngành Xuất bản

Vân Hạ| 08/05/2022 06:19

(HNMCT) - Từng có ý kiến tỏ ra e ngại rằng, sự xuất hiện của các sản phẩm số có thể làm “triệt tiêu” sách giấy, nhưng thực tế những năm qua cho thấy sách điện tử và sách in sẽ song hành. Sự đổi mới và tính đa dạng của hai loại hình sách này có tác động tương hỗ, từ đó góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.

Sách điện tử đã hình thành một cộng đồng đọc riêng.

Xuất bản số đã khởi động từ lâu

Đọc sách giấy hay đọc sách trên các thiết bị thông minh đã không còn là câu chuyện được bàn đến nhiều như khi các sản phẩm xuất bản số mới xuất hiện. Bởi cho đến nay, sách điện tử đã hình thành một cộng đồng đọc riêng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books, kết quả phỏng vấn "bỏ túi" được thực hiện với 10.000 người cho thấy, đa số người trên 40 tuổi chọn đọc sách in, độc giả trẻ hơn thì thích sách điện tử. Chỉ với một thiết bị nhỏ gọn mà có thể chứa hàng nghìn đầu sách, sự tiện lợi của sách điện tử là ưu điểm lớn đối với các độc giả trẻ ưa xê dịch ngày nay. So với sách in, sách điện tử lại có giá trị tăng thêm như tính tương tác cao với nhiều hình ảnh động, audio, video, biểu đồ sinh động, các tính năng tìm kiếm, ghi chú, đánh dấu, lưu trữ, tra cứu nhanh. Hơn nữa, người đọc còn có thể chia sẻ, trao đổi với tác giả, dịch giả hay nhà xuất bản (NXB) trên chính cuốn sách điện tử đó.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong xuất bản đã được khởi động từ khá lâu. Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc NXB Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, ngay từ năm 2009, khi chưa có quy định pháp luật về xuất bản số, NXB Đại học Kinh tế quốc dân đã bắt đầu thực hiện số hóa sách giấy để bạn đọc dễ tiếp cận. Tương tự với nhiều NXB hay các thư viện, việc số hóa sách giấy đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Song, số hóa sách in chỉ là “phần nổi” của cả “tảng băng” chuyển đổi số trong ngành Xuất bản. Ở tất cả các đơn vị làm sách, công nghệ số đã được ứng dụng trong nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, mức độ nhiều hay ít tùy thuộc từng đơn vị, nhưng nhìn chung quá trình số hóa diễn ra tương đối chậm, và các đơn vị liên kết dường như làm tốt hơn các đơn vị xuất bản.

Quá trình số hóa không chỉ diễn ra ở khâu sản xuất như biên tập, thiết kế, xuất bản, truyền thông tại các đơn vị làm sách, mà còn xuất hiện ở khâu lưu thông, phân phối xuất bản phẩm của nhiều doanh nghiệp. Trong những năm qua, hàng loạt nhà sách điện tử đã xuất hiện và trở thành kênh phân phối sách rất quan trọng, như Vinabook, Tiki, Fahasa... Tương tự, là hàng loạt tác giả nổi lên từ “cõi mạng” như Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Huyền Trang Bất Hối, Born... Đó còn là xu hướng tự xuất bản thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng của Comicola, Crobo, hoặc các ý tưởng sách xuất phát từ các hội nhóm đồng sở thích trên mạng xã hội như nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi), Hà Nội tri thức... Cùng với đó là sự phát triển của những tên tuổi tiên phong trong làng xuất bản số. Như Waka với các dịch vụ đọc sách online trên Waka 4.0, bán sách giấy chính hãng có bản quyền trên Waka shop, cung cấp nội dung, xuất bản phẩm có bản quyền trên Waka truyện dịch, ngoài ra còn có sản phẩm liên kết như ứng dụng đọc truyện tranh bản quyền Manwa, ứng dụng nghe sách nói, podcast có bản quyền Mydio. Hay như các ứng dụng sách nói Fonos, Voiz FM... đang ngày càng được nhiều người chọn dùng.

Sự phát triển của xuất bản điện tử đã trở thành xu thế tất yếu, ngày càng được các tác giả, các đơn vị làm sách quan tâm. Họ có thể cho ra mắt phiên bản sách điện tử cùng lúc với bản sách in, hoặc chọn phương pháp tự xuất bản khi thị trường đã xuất hiện những nền tảng mà qua đó tác giả có thể tự thiết kế, chỉnh sửa, đăng tải tác phẩm mới. Chẳng hạn, nền tảng hỗ trợ, kết nối xuất bản IPub giúp tác giả không chỉ đăng tải tác phẩm mới, tiếp cận trực tiếp với độc giả mà còn quản lý được chi phí thực tế phải bỏ ra, doanh thu và lợi nhuận trên từng đầu sách. Bỏ qua nhiều khâu trung gian để đội ngũ viết chuyên tâm sáng tác, những nền tảng số này được cho là sẽ góp phần thay đổi cục diện thị trường xuất bản trong tương lai, thậm chí có thể tạo ra những thế hệ nhà văn mới khi nhiều tác giả nhờ đó mà giảm bớt sự rụt rè, tự ti của người mới chập chững viết, mạnh dạn sáng tạo hơn.

Sự xuất hiện của sách điện tử không “triệt tiêu” sách giấy mà sách điện tử và sách in đang song hành phát triển bởi tính đa dạng của hai loại hình sách này có tác động hỗ trợ nhau, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: Minh Vũ

Cơ hội phát triển văn hóa đọc

Chuyển đổi số dường như đã là một cuộc cách mạng lớn làm thay đổi ngành Xuất bản khi tạo ra sự đa dạng của xuất bản phẩm và các mô thức xuất bản. Chính sự đa dạng này đã và đang mở ra cơ hội cho sự phát triển văn hóa đọc. Đứng trước sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn ngày một hấp dẫn, cùng với đó là tính kết nối và tương tác của mạng xã hội, thì sách in khó thu hút độc giả hơn so với trước. Độc giả trẻ ngày nay thường ngại sách in nhiều chữ, điều đó giải thích vì sao truyện tranh, sách tranh rất đắt hàng. Tương tự là xu hướng sách tóm tắt, sách mini ra đời để tóm tắt các tác phẩm văn học kinh điển nhằm tạo bước đệm cho độc giả tiếp cận tác phẩm nguyên gốc.

Có thể nói, nhờ công nghệ số, ngày càng có nhiều xuất bản phẩm hay, đẹp ra đời, đặc biệt là ở dòng sách tương tác dành cho trẻ em. Hàng loạt xuất bản phẩm như sách rút mở, lật kéo, sách âm thanh, sách chiếu bóng... đã khơi gợi sự tò mò từ trẻ em, khiến trẻ mong muốn khám phá, tiếp cận và dần hình thành tình yêu sách. Cũng nhờ công nghệ số, độc giả ngày nay biết thông tin về các xuất bản phẩm nhanh hơn, phong phú hơn, có nhiều cơ hội để giao lưu với tác giả, dịch giả, chia sẻ quan điểm với các nhóm đồng sở thích hay gửi ý kiến góp ý đến các đơn vị làm sách. Những điều này đã và đang góp phần không nhỏ trong việc “níu chân” độc giả.

Những ngày tháng dịch Covid-19 căng thẳng vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho thấy chuyển đổi số đã mở ra cơ hội cho ngành Xuất bản như thế nào. Hội sách trực tuyến quốc gia được tổ chức trên trang book365.vn tạo sự bất ngờ cho đội ngũ làm công tác xuất bản, bao gồm cả các cơ quan quản lý, các đơn vị kinh doanh, xuất bản khi số lượng sách đặt mua tăng cao, các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến thu hút đông người tham dự. Giãn cách xã hội khiến nhiều người phải “đếm” thời gian trôi qua các kênh giải trí như xem phim, nghe nhạc và đọc sách, khi đó sách điện tử tỏ rõ tính đắc dụng. Trước những kho sách số rộng lớn, độc giả dễ dàng tìm được một cuốn sách muốn đọc. Thậm chí, nếu chưa biết nên đọc sách gì thì công nghệ số lại giúp họ tiếp cận các cộng đồng đọc để tìm kiếm sự tư vấn, hoặc đọc các tóm tắt nội dung, đánh giá nhận xét để hiểu hơn về tác phẩm. Khi mắt đã mỏi bởi tiếp xúc nhiều với các thiết bị có ánh sáng xanh, thì sách nói sẽ là một lựa chọn tốt. Những sản phẩm sách điện tử ấy đã “kéo lại" nhiều độc giả, những người vì cuộc sống quá bận rộn khiến họ từng bỏ quên việc đọc.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số lượng người sử dụng internet rất lớn. Xuất bản số, bởi thế, là xu hướng tất yếu và cần được đẩy mạnh để thu hút nhiều bạn đọc hơn nữa. Tuy nhiên, cùng với các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc, rất cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bạn đọc về bản quyền. Bên cạnh đó, cần xây dựng thói quen đọc có văn hóa, bởi nếu bản quyền sách số không được đảm bảo thì sẽ làm nản lòng tác giả, dịch giả, đồng thời khiến các doanh nghiệp ngại đầu tư vào mảnh đất tiềm năng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cách mạng lớn làm thay đổi ngành Xuất bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.