Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cuộc chơi" sáng tạo bìa sách: Chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa

Vân Hạ| 07/08/2022 05:52

(HNMCT) - Trên fanpage của nhiều đơn vị xuất bản hay của một số tác giả nổi tiếng, thi thoảng lại có một số phiên bản bìa sách được đăng tải để lấy ý kiến độc giả. Giờ đây, một cuốn sách có được yêu thích hay không không chỉ phụ thuộc vào phần nội dung, mà bìa sách, phụ bản, minh họa... đều là những giá trị gia tăng quan trọng dẫn người đọc đến với tác phẩm.

Công chúng đến với Triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022 được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Vân Hạ

Đa dạng “thời trang” bìa sách

Nếu xưa kia, bìa sách chỉ là chiếc vỏ đóng vai trò bảo vệ sách thì theo thời gian, bìa sách ngày càng giữ vị trí quan trọng trong việc truyền đạt nội dung sách và thu hút độc giả. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng: “Tín hiệu trên bìa đến với độc giả bằng “tốc độ ánh sáng”, đây được xem là cấp độ đọc đầu tiên, có sức lôi cuốn, dẫn dụ người xem đến với nội dung bên trong”.

Nhận ra tầm quan trọng của bìa sách trong việc thu hút độc giả, nhiều đơn vị làm sách ngày càng chú trọng đến khâu thiết kế bìa. Những năm gần đây, có thể thấy sự bùng nổ của nghệ thuật thiết kế bìa sách với sự đa dạng về phong cách. Từ kiểu bìa tối giản, thanh lịch, vào đúng trọng tâm của đề tài, nội dung đến muôn cách tạo hình cho chữ viết tay trong kiểu bìa typography; từ xu hướng hoài cổ retro tinh tế nhẹ nhàng đến cuộc chơi của những mảng màu sắc rực rỡ thời thượng; từ các cuộc chơi ghép ảnh đến những bìa dày đặc chi tiết, hay những bức tranh khiến độc giả yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên...

Không hiếm trường hợp độc giả mua sách chỉ vì thích bìa. Bản ''Anna Karenina'' của Nhã Nam liên kết cùng NXB Hội Nhà văn từng khiến nhiều độc giả “ôm tim” khi đơn giản dùng bức tranh ''Người đàn bà xa lạ'' của danh họa Kramskoi làm bìa. Tấm bìa sách thu hút độc giả không chỉ bởi sự nổi tiếng của bức tranh hay của truyện, mà còn bởi những giả thuyết xoay quanh tác giả Lev Tonstoy và nguyên mẫu người phụ nữ trong tranh. Một trường hợp khác, từng có hai nhà sách cùng làm cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” với nội dung hoàn toàn giống nhau, nhưng cuốn sách được đầu tư kỹ lưỡng về bìa có lượng bán nhiều hơn hẳn. Họa sĩ Tùng Lâm cho biết, khi yêu thích tác phẩm nào đó, nhiều người “chịu chi” để sưu tầm các phiên bản sách với bìa khác nhau.  

Nắm bắt tâm lý của độc giả đương thời về bìa sách, các đơn vị làm sách ngày càng quan tâm đến thị hiếu của độc giả. Trên các trang mạng xã hội tương tác cùng bạn đọc, nhiều thiết kế bìa được giới thiệu nhằm trưng cầu ý kiến lựa chọn của độc giả. Biên tập viên mỹ thuật Trịnh Hương Anh của Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam “bật mí”: “Có bìa sách của chúng tôi đã qua hết tất cả các khâu, trong đó có cả khâu duyệt xuất bản của cơ quan chức năng, thế nhưng lại phải làm lại từ đầu vì khi đăng lên mạng xã hội thì độc giả chê nhiều quá”.

Tạo ra sự hài hòa giữa khả năng sáng tạo của bản thân với sự hài lòng của tác giả và thẩm mỹ của thị trường, đó là vấn đề khó nhưng khơi gợi cảm giác muốn chinh phục độc giả của các họa sĩ. Đại diện của Nhã Nam từng chia sẻ với độc giả rằng, khi mua bản quyền cuốn sách “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, tác giả Ocean Vương yêu cầu đơn vị làm sách phải gửi cho anh 3 mẫu bìa, và trên bìa không được xuất hiện chi tiết chiếc đồng hồ, người đàn ông trẻ hay người mẹ. Còn nhà văn Milan Kundera thì luôn yêu cầu nghiêm ngặt trên bìa sách của ông không được giới thiệu thêm thông tin nào về tác giả cũng như những lời đánh giá về nội dung.

NXP Kim Đồng cho ra mắt nhiều phiên bản bìa tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng độc giả.

Cuộc chơi xoay quanh bìa sách trong những năm gần đây đã được "cất cánh" nhờ sự phát triển của công nghệ - điều cho phép các họa sĩ đồ họa được thỏa sức sáng tạo. Vẽ bìa sách không đơn thuần là công việc làm thêm như nhiều người từng nghĩ, mà còn để thỏa mãn đam mê. “Trên một phạm vi hẹp chỉ vài trăm centimet vuông làm thế nào để chuyển tải nội dung, vừa hấp dẫn, tạo ấn tượng, vừa có sự khác biệt mà vẫn đảm bảo những giới hạn khắt khe vô hình của các định chế pháp luật, thuần phong mỹ tục là bài toán đối với những người làm thiết kế bìa” - họa sĩ Ngô Xuân Khôi khẳng định.

Mỗi một khổ bìa mà đơn vị xuất bản đặt hàng, mỗi chủ đề nội dung trong cuốn sách mà biên tập viên đã nhấn mạnh đều là một thế giới mới để họa sĩ cảm nhận và thể hiện ra trên bức tranh bìa sách của mình. Người ta bắt đầu coi bìa sách là một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi: “Bìa sách ngày càng đóng vai trò quyết định với tư cách như sứ giả của sản phẩm văn hóa”.

Cơ hội của ngành thiết kế bìa

Tuy rằng, nghệ thuật bìa sách những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, nhưng dường như sự quan tâm của xã hội đến việc thiết kế bìa sách vẫn còn hết sức hạn chế. Chị Phạm Phượng, phòng Kế hoạch - sản xuất, NXB Phụ nữ, cho biết: Ở Việt Nam, nghề làm bìa sách còn khá mới mẻ với người dân miền Bắc. Với các họa sĩ, thiết kế bìa đa phần là “nghề tay trái”. Hiện có rất ít họa sĩ chuyên thiết kế bìa sách, phần lớn các đơn vị xuất bản dựa vào đội ngũ cộng tác viên là các họa sĩ “làm thêm” khi nhận được đơn đặt hàng. Theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, thiết kế và sáng tạo bìa sách ở nước ta vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa.

Trong quan niệm của nhiều họa sĩ cũng như đơn vị xuất bản, ngành đồ họa, trong đó có thiết kế bìa sách, dường như vẫn chưa được đánh giá đúng tầm. Ngoại trừ niềm yêu thích từ phía độc giả thì trong giới chuyên môn, gần như không có kỳ cuộc nào về bìa sách được tổ chức. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022 thực sự là một cột mốc để “nhìn nhận, đánh giá và suy nghĩ cho bước phát triển tiếp theo của nghệ thuật bìa sách trong tương lai”. Trước đó, Nhã Nam là đơn vị quan tâm đến mảng bìa sách hơn cả. Bên cạnh sự tương tác thường xuyên cùng độc giả trong khâu chọn bìa thì đều đặn hằng năm, đơn vị này đều tổ chức hoạt động bình chọn Bìa sách của năm. “Đây cũng là dịp để Nhã Nam gửi lời tri ân tôn vinh công sức sáng tạo của các họa sĩ minh họa và thiết kế, những người đã góp phần làm nên diện mạo sách Nhã Nam ghi dấu ấn trong lòng độc giả từ những ngày đầu cho đến hôm nay. Và không chỉ có Nhã Nam, bạn đọc gần xa cũng có thể gửi gắm tình cảm đến những họa sĩ mà các bạn yêu quý bằng những lá phiếu quyền lực trong tay” - đại diện Nhã Nam cho biết.

Đều đặn hằng năm, độc giả của Nhã Nam đều có thể gửi “lá phiếu quyền lực” bình chọn Bìa sách của năm.

Hoạt động bình chọn bìa sách được tổ chức đã đưa độc giả đến gần hơn với đơn vị làm sách, các tác phẩm bìa sách được trân trọng và các họa sĩ thiết kế bìa được biết đến nhiều hơn. Sự ủng hộ từ phía độc giả thông qua hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ, bình luận là động lực lớn để các họa sĩ thiết kế bìa sách tiếp tục tìm tòi sáng tạo. Tiếc rằng, hiện chưa có nhiều đơn vị làm sách thực hiện được những hoạt động này.

Bên cạnh đó, về khâu đào tạo, tuy rằng Việt Nam có nhiều cơ sở dạy đồ họa nhưng dạy chuyên sâu về thiết kế bìa sách thì rất hiếm. Tại một số cuộc hội thảo về thiết kế bìa sách được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022 - diễn ra cách đây không lâu, có thể thấy rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực này. Cuộc hội thảo cũng thu hút đông đảo người đến dự, và lượng câu hỏi gửi đến các diễn giả cũng hết sức phong phú, từ quy chuẩn thiết kế bìa sách, công thức tính gáy sách đến tìm kiếm nguyên liệu thiết kế, phương thức cộng tác với các đơn vị xuất bản, kinh nghiệm đối chiếu giữa thiết kế và in ấn...

Ở những nước có nền xuất bản phát triển, họa sĩ thiết kế bìa sách rất “đắt hàng”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những ngành nghề sáng tạo hình ảnh như truyện tranh, games, thiết kế bìa sách vẫn còn mới mẻ. Để mở ra cơ hội nghề nghiệp cho lớp trẻ, thúc đẩy sự phát triển của ngành Xuất bản và đội ngũ sáng tạo, đã đến lúc câu chuyện về thiết kế bìa sách cần được kể nhiều hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc chơi" sáng tạo bìa sách: Chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.