Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sách ẩm thực, có gì lạ?

Hạ Yến| 18/10/2019 10:58

(HNMCT) - Cùng với sự phát triển của Internet, việc giao lưu, học hỏi trên mạng ngày càng phổ biến, trong đó ẩm thực luôn là đề tài được nhiều người, đặc biệt là phụ nữ quan tâm. Không chỉ còn đơn thuần đọc về các món ngon qua từng trang văn nữa, giờ đây những tâm hồn đam mê ẩm thực còn được ngắm ảnh, xem phim, và đặc biệt là chia sẻ các công thức nấu ăn, trao đổi kinh nghiệm làm bếp. Một dòng sách ẩm thực (cookbook) bởi thế đã ra đời, làm phong phú đời sống xuất bản, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người đọc...

Từ bếp ảo đến trang sách

Không kể đến những cuốn sách dạy nấu ăn chỉ đơn thuần đưa công thức khô khan giới thiệu đến bạn đọc, thì trong văn chương Việt Nam xưa, số đầu sách viết về ẩm thực không nhiều, đa phần là các tùy bút - tản văn về một thời vang bóng trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài, Băng Sơn...

Những năm gần đây trong sự nở rộ của thể loại tản văn, cũng có nhiều tác giả viết về ẩm thực như Nguyễn Trương Quý với Ăn phở rất khó thấy ngon, Uông Triều với Hà Nội quán xá phố phường, Hoàng Trọng Dũng với Gạo, nước mắm, rau muống, Ngô Thị Giáng Uyên với Bánh mì thơm, cà phê đắng... Dường như “công thức” chung của nhiều tản văn ẩm thực là “khảo sát” về một món ăn, “điểm danh” một số hàng quán có tiếng, hay hoài niệm về những ký ức ẩm thực qua đôi tay của bà, của mẹ...

Song, ở thời đại 4.0 khi mà người dân có không ít kênh để tiếp cận với thú vui ẩm thực một cách sinh động, chân thực hơn nhiều so với “đọc chay” thì các trang sách về ẩm thực dường như chỉ còn thu hút được những người yêu văn chương. Nhiều chị em đã không chỉ còn muốn đọc, muốn ngắm các món ăn một cách đơn thuần nữa, mà còn muốn tự mình vào bếp. Từ nhu cầu ấy, những cuốn sách ẩm thực mới đã ra đời.

Blog nấu ăn của chị Khai Tâm, một người con gái Hà Nội sống tại Nhật Bản, là một trong những căn bếp ảo được nhiều công dân mạng mê ẩm thực thường xuyên ghé thăm. Một lượng lớn truy cập và bình luận ở blog của chị để hỏi về các công thức nấu ăn, mẹo vặt trong chế biến thực phẩm, nhờ “bác sĩ” Khai Tâm “bắt bệnh bếp”, và giao lưu, tìm hiểu về chính chủ nhân của căn bếp ảo ấy. Năm 2011, theo mong muốn của rất nhiều fan bếp Khai Tâm, cuốn sách ẩm thực đầy mới lạ của chị mang tên Năm mùa yêu thương đã ra đời. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách khai mở cho dòng cookbook đang phát triển hiện nay.

Nét đặc biệt của Năm mùa yêu thương không chỉ là một cẩm nang bếp chia sẻ công thức, truyền kinh nghiệm nấu ăn với những bức ảnh do chính tác giả chụp, mà cuốn sách còn “bật mí” những cách chơi với con cùng những câu chuyện kể gia đình ấm áp và đầy thương yêu như Các bác nông dân của mẹ, Con vào bếp, Bố vắng nhà, Những chiếc răng sữa...

Cũng từ căn bếp ảo đến sách, Nhật ký học làm bánh của tác giả Linh Trang, “đầu bếp” của blog nổi tiếng Savourydays.com đã từng “gây sốc” khi sách còn chưa “xuất xưởng” thì toàn bộ 2.000 bản in đã được đặt trước chỉ trong vòng nửa ngày. Với những công thức dễ thực hiện cùng những chia sẻ cặn kẽ, nhiệt tâm, blog ẩm thực của Linh Trang đã thu hút rất đông các “tín đồ” của bếp núc. Cuốn sách Nhật ký học làm bánh, bởi thế, ngay từ khi lên ý tưởng đã được một cộng đồng người mua sẵn sàng đón đợi.

Không chỉ mang đến các công thức bánh dễ làm, cuốn sách còn là những tâm sự về chặng đường khởi đầu tự vật lộn với nguyên liệu bánh của một cô nàng không có nhiều kinh nghiệm bếp núc và hoàn toàn chẳng có hoa tay nào. Trên hành trình tự mày mò học hỏi ấy, căn bếp ảo của Linh Trang dần nổi tiếng lúc nào không hay, và cho đến nay, chị đã ra đến 3 tập Nhật ký học làm bánh, trong đó cuốn mới nhất Khi bếp vắng lò được viết theo tiêu chí “không cần nhiều kỹ năng hay dụng cụ bếp đặc biệt như lò nướng, nguyên liệu không quá khó tìm, cách thực hiện đơn giản, ngay cả người “mới nhất” trong bếp cũng có thể làm thành công trong lần thử đầu tiên”.

Sau Khai Tâm, Linh Trang, nhiều blogger ẩm thực nổi tiếng với hàng chục nghìn người theo dõi trên cộng đồng mạng như Phan Anh (Esheep), Vũ Ánh Nguyệt, Lâm Anh Đào,... cũng tiếp nối nhau ra sách, trong đó nhiều cuốn sách có sức mua lớn, được tái bản như Mật mã yêu thương, Hành trình bếp bánh, Mùi của bếp, Chè bánh dân dã, Tự làm kem tuyệt ngon… Đặc biệt, tác giả Esheep còn viết riêng cuốn sách vô cùng thú vị mang tên 80 ngày ăn khắp thế giới hướng dẫn nấu ăn và tìm hiểu ẩm thực khắp năm châu dành cho trẻ em từ 7 - 14 tuổi.

Mới đây, tác giả Đào Tuyết Trinh, chủ nhân của căn bếp ảo Su Bakery cũng cho ra mắt cuốn sách Nêm nếm yêu thương tập hợp những bài viết về các món ăn thường ngày. Đó là “món ăn của mẹ” với những thứ quà giản dị mẹ nấu cho từ nhỏ mà hương vị đi theo con suốt cả cuộc đời, là thực đơn gia đình cầu kỳ hơn cho những “cuối tuần ngọt ngào” cả nhà quây quần chung vui, hay những thứ khoái khẩu như bim bim, kẹo dẻo, sữa hạt... mà mỗi người mẹ đều có thể tự làm cho con.

Sự đắt khách từ các căn bếp ảo này đến trang sách dường như không chỉ bởi kinh nghiệm nấu ăn mà còn bởi những chia sẻ đời thường của người viết, như chính chị Khai Tâm từng chia sẻ: “Những lời văn có thể không trau chuốt, mượt mà. Những hình ảnh có thể không mang tính nghệ thuật. Không đẹp hoàn hảo, nhưng là hơi thở của cuộc sống gia đình”. Bởi, điều quan trọng nhất trong nấu ăn không phải là dụng cụ, mà là “lòng ao ước làm ra những món ăn ngon để người thân thưởng thức. Lòng ao ước đó có lẽ chỉ xuất hiện khi người ta quan tâm và yêu mến nhau”. 

Sách ẩm thực “lên ngôi”

Được trau chuốt không chỉ nội dung mà còn tỉ mỉ đến từng bức ảnh, cách trình bày, dòng sách ẩm thực in màu, giấy đẹp, sống động và bắt mắt, cho nên, sách ẩm thực khá đắt khách, dù giá không hề rẻ. Không chỉ đi từ những căn bếp ảo ra trang viết, dòng sách ẩm thực dường như được “lên ngôi” sau các mùa thi Vua đầu bếp, một chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực.

Có thể kể đến những cái tên như Phan Thắng Thái Hòa với Ngẫu hứng vào bếp, Ngẫu hứng nướng, Christine Hà với Nấu ăn bằng cả trái tim, Đoàn Thị Thu Thủy với Cô Ba và hành trình món Việt, Đường đến miền hạnh phúc, Ngô Thanh Hòa với Từ niềm đam mê nấu ăn, Alain Nghĩa với Ngày mai cưng ăn gì, Ăn gì cũng dễ thương, Làm dâu nhà má, Nguyễn Bảo Anh Thư với Chuyện của bánh… Đa phần các cuốn sách đi theo lối lồng ghép giữa ẩm thực và tản văn, du ký, bên cạnh việc chia sẻ công thức nấu ăn thì còn là nhiều trang viết đầy cảm xúc của tác giả.

Cũng thuộc làn gió mới của dòng sách ẩm thực, nhưng hai tác phẩm Lê la quà vặt Hà Nội và Ăn quà xuyên Việt lại có góc tiếp cận độc đáo hơn hẳn. Ẩm thực trong hai cuốn sách ấy được trình bày dưới dạng khung truyện tranh, mà mỗi món ăn là một khung cảnh vui tươi, đầy màu sắc cùng những hình vẽ dễ thương và hết sức thú vị mà như chị Hồng Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định: “Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng thích mê hai cuốn sách này”.

Bên cạnh các tác giả Việt, dòng sách ẩm thực thế giới cũng được dịch và giới thiệu ở Việt Nam với nhiều đầu sách đa dạng, đặc biệt là sách ẩm thực liên quan đến sức khỏe chia sẻ những kinh nghiệm ăn uống để khỏe, để đẹp càng được nở rộ như Nhân tố Enzyme, Ăn gì không chết, Bất ngờ lớn về chất béo, Một cuốn sách kì diệu về dừa, Sức khỏe trong tay bạn… Thậm chí hiện nay có cả một đơn vị làm sách IloveCookbook chỉ chuyên đi chuyên sâu vào dòng sách ẩm thực với sự đầu tư kỹ lưỡng trong bản thảo, nhiều cuốn sách được in trên chất liệu giấy cao cấp và đóng bìa cứng, bắt mắt những tín đồ bếp ngay từ những trang sách đầu tiên khiến họ lập tức muốn “lăn vào bếp”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sách ẩm thực, có gì lạ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.