Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ánh sáng người thầy qua những trang văn

Việt Nhật| 20/11/2019 16:39

(HNMCT) - “Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà ươm cho đời đầy trái ngọt hoa thơm”, lời thơ (của một người thầy) ra đời cách đây chưa lâu nhưng đã được nhiều người biết đến qua các bản sao chép trên mạng. Có lẽ bởi bài thơ đã nói thật đúng công việc của nghề giáo, của những thầy cô đặt viên gạch nền móng cho cuộc đời của biết bao thế hệ học trò.

Cuốn sách Tôi đi học của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trở thành tấm gương về tuổi trẻ dám ước mơ, quyết tâm phấn đấu và nghị lực vượt lên chính mình.

Tri ân thầy cô, những cuốn sách về giáo dục, về người giáo viên thường được xuất bản vào các dịp 20-11 hằng năm. Đó có thể là các tập thơ, tản văn, tập hợp những câu chuyện ngăn ngắn của một tác giả hay nhiều tác giả như Đề tặng thầy cô, lớp học yêu thương; Ký ức người thầy; Viết cho thầy, gửi cho cô, tặng cho trò; Thầy tôi… Hoặc là các tập chân dung như Những người thầy trong sử Việt; Từ bục giảng đến văn đàn… mang đến cho các thế hệ sau những bức tranh số phận từ nhiều góc nhìn, để thấy dù mỗi người thầy có một hoàn cảnh, một cá tính, một cuộc đời nhưng họ có một điểm chung là luôn tận tình hết mình dạy dỗ các thế hệ học sinh.

Mang đến những câu chuyện xúc động nhất về chân dung người thầy có lẽ là những trang viết ở thể loại hồi ức, tự truyện mà Mái trường thân yêu là tác phẩm quen thuộc đối với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Ngay từ khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1964, Mái trường thân yêu đã “hút hồn” nhiều học sinh và đến nay vẫn liên tục được tái bản. Điều đó cho thấy giá trị của cuốn sách vẫn vẹn nguyên ở thời bình, dù bối cảnh của truyện là ở thời chiến. Trong ấn bản Mái trường thân yêu gần đây của First News, ngoài truyện dài của Lê Khắc Hoan, còn có thiên ký sự đặc biệt của tác giả Đỗ Quốc Anh về Nhà giáo Nhân dân Tôn Thất Thân - “Thầy của những người thầy trong lĩnh vực toán học Việt Nam”.

Trong số những trang viết của các thầy, cô giáo và viết về nghề giáo, có lẽ bộ đôi sách Tôi đi học và Tôi học đại học của “huyền thoại” Nguyễn Ngọc Ký, người đã trải qua những năm tháng học viết bằng chân cho đến khi trở thành thầy giáo ưu tú như ngày nay, là đặc biệt nhất. “Nhiều lúc tôi đã lấy hết sức quặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả ngón chân” - hành trình cam go không thể tưởng tượng được ấy đã gây xúc động cho bao thế hệ người Việt. Tôi đi học bởi thế được tái bản nhiều lần và cuộc đời của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trở thành tấm gương về tuổi trẻ dám ước mơ và nghị lực vượt lên chính mình. Năm 2013, tác phẩm thứ hai của ông - Tôi học đại học được xuất bản, chỉ chưa đầy một tháng đã phải tái bản mới đáp ứng được nhu cầu độc giả. Rõ ràng, một cuốn sách hay, mang ý nghĩa truyền lửa vẫn luôn thu hút độc giả dù cho các phương tiện giải trí khác rất phát triển.

Cũng là một tấm gương nỗ lực phi thường, tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái của Nguyễn Thế Vinh (với sự chấp  bút của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà) gây xúc động đặc biệt trước hành trình vạn dặm của một người thầy không lành lặn. Phải là tột cùng của yêu thương, đồng cảm, kiên nhẫn và quyết tâm thực hiện ước mơ, người thầy giáo chỉ có một cánh tay ấy mới có thể từ tay trắng mà dựng nên cả một ngôi trường tình thương dành cho những số phận trẻ em khó khăn, thiếu may mắn trên khắp đất nước. Những mẩu chuyện dung dị được “ông giáo làng” Nguyễn Thế Vinh kể lại một cách chân thành từ chính những gì trải qua đã làm biết bao trái tim người đọc phải rơi lệ. Cuốn sách đã trở thành hiện tượng của năm 2017 và nhận giải “Cuốn sách truyền cảm hứng nhất” do Trạm Đọc tổ chức năm 2018.

Ở mảng sách dịch về đề tài thầy cô và mái trường, các tác phẩm hồi ký, tự truyện, nhật ký cũng là những trang sách cuốn hút, đem lại nhiều cảm xúc nhất. Ra đời cách đây hơn một trăm năm, Những tấm lòng cao cả của nhà văn người Italia Edmondo De Amicis cho đến nay vẫn giữ nguyên những giá trị về tình thầy trò. Cuộc đời của bản thân người thầy trong truyện cũng gặp nhiều đau khổ, nhưng điều đó không làm giảm sút tình thương và sự kiên nhẫn của thầy cho học sinh. Những tấm lòng cao cả được đánh giá là “thiên trường ca” cảm động về nghề dạy học, được dịch và đưa vào chương trình dạy học của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hai cuốn sách khác viết về giáo dục được giới thiệu về Việt Nam từ khá lâu là Người thầy đầu tiên của Tsinghiz Aitmatoz và ToTochan - Cô bé bên cửa sổ của Kuroyanagi Tetsuko. Người thầy đầu tiên mang đến hình ảnh người thầy giáo làng còn chưa biết hết mặt chữ nhưng vẫn tìm đủ cách để có thể lập “trường học”, dạy cho các học sinh tất cả những gì thầy biết, để từ những viên gạch nền móng đầu tiên ấy, tuy chưa phải là những viên gạch đẹp đẽ, nguyên vẹn, nhưng cũng giúp các học sinh bước chân đi về phía ngày mai tươi sáng.

Nếu không có người thầy giáo làng Đuysen ấy, mãi mãi sẽ không thể có bà viện sĩ Antưnai sau này. Cũng giống như nếu không có thầy hiệu trưởng kính yêu và ngôi trường Tomoe đáng mơ ước của nhiều bạn đọc trên toàn thế giới, cô bé ToTochan rất có thể đã bị tước đi cơ hội đến trường, cơ hội học tập để sau này trở thành nhà văn, thành người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Nhật Bản. Chính Người thầy đầu tiên và ToTochan - Cô bé bên cửa sổ đã khẳng định rõ ràng hơn bao giờ hết vai trò quan trọng của người giáo viên đối với cuộc đời của mỗi học sinh.

Sau Người thầy đầu tiên và ToTochan - Cô bé bên cửa sổ, nhiều cuốn sách dịch khác đầy xúc động về mái trường, về người giáo viên, về tình thầy trò được giới thiệu về Việt Nam, đa phần là thuộc thể loại tự truyện, hồi ức, nhật ký như Trên bục giảng của đồng tác giả Lisa Wysocky và Brad Cohen, Câu chuyện đời tôi - tự truyện của Helen Keller, Người  thầy của Frank McCourt, Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata, Viết lên hy vọng và Người gieo hy vọng của  Erin Gruwell, Bài  giảng cuối cùng của Randy Pausch... Đây đều là những tác phẩm không chỉ làm rung chuyển nền giáo dục ở những đất nước nơi cuốn sách ra đời, mà còn lay động hàng triệu trái tim bạn đọc ở nhiều nước trên thế giới. Điều này cho thấy, khi viết về thầy cô, viết về mái trường thì những câu chuyện của sự thật sẽ luôn được đón nhận và dễ đọng lại trong lòng độc giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ánh sáng người thầy qua những trang văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.