Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn một Quang Dũng hội họa

Thư Hoàng| 02/09/2020 16:30

(HNMCT) - Nhắc tới nhà thơ Quang Dũng là nhắc đến những câu thơ nổi tiếng: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương?” trong bài thơ quen thuộc Mắt người Sơn Tây, “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” trong thi phẩm Tây Tiến, “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa” trong bài Không đề... Nhưng qua cuốn sách Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao do hai tác giả Phương Thảo và Tô Chiêm biên soạn, NXB Kim Đồng vừa ấn hành tháng 8-2020, độc giả còn gặp một Quang Dũng của hội họa.

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, quê gốc ở làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội). Họa sĩ Tô Chiêm - đồng tác giả của cuốn sách - cho biết, tình cờ được xem một số ký họa của nhà thơ Quang Dũng, anh đã liên lạc với chị Phương Thảo - con gái của nhà thơ, đề nghị làm một cuốn sách không chỉ có những bài thơ gắn liền với tên tuổi Quang Dũng mà còn có những bức tranh, ký họa của nhà thơ.

Cuốn sách được sắp xếp thành hai mảng: Thơ và tranh. Tuy nhiên, độc giả có thể gặp một “Quang Dũng họa sĩ” ngay trong phần thơ. Ở đó, không chỉ là “thi trung hữu họa” (trong thơ có họa), mà thực tế còn có tranh do chính nhà thơ vẽ minh họa bên cạnh thi phẩm của mình. Thơ Quang Dũng vốn có nhiều dị bản. Khi làm cuốn sách này, hai tác giả đã chọn những bài thơ được Quang Dũng chép trong nhiều cuốn sổ tay. Nhờ đó, họ đã tìm được một số bức tranh ông vẽ ngay bên cạnh những bài thơ. Đó thường là ký họa phong cảnh bằng bút chì, cũng có khi đó là một phác thảo với nhiều ghi chú.

Tài năng hội họa của Quang Dũng bộc lộ rõ hơn ở phần hai của cuốn sách, với khoảng 30 bức tranh. Trong đó, phần lớn là những bức tranh phong cảnh như Nhớ Tây Tiến, Đường lên Tây Bắc, Làng ven đê sông Đáy, Mây đầu ô, Dốc Yên Phụ, Vườn đào Nhật Tân, Ba Vì... Họa sĩ Tô Chiêm cho biết, Quang Dũng vẽ nhiều nhưng cũng tặng bạn bè, thi hữu nhiều, đến nay nhiều bức đã bị thất lạc. Một trong những bức tranh đẹp bị thất lạc nhiều năm, gần đây được một người bạn của Quang Dũng tặng lại gia đình là bức Bến Ngọc (1960).

Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ hiểu thêm, ngoài năng khiếu hội họa, Quang Dũng cũng có thời gian thực hành hội họa. Cụ thể, trong một bản khai lý lịch năm 1961, phần làm việc gì, Quang Dũng ghi: “Họa sĩ thuộc ngành Hội họa, chi hội Văn nghệ Liên khu 3 - năm 1952”. Một số người từng tiếp xúc với nhà thơ Quang Dũng còn kể rằng, đam mê hội họa của Quang Dũng không kém gì thi ca và có lẽ ông bắt đầu vừa vẽ vừa làm thơ cùng lúc.

Còn cố nhà thơ Trần Lê Văn - bạn cùng thời với Quang Dũng từng nhận xét: “Quang Dũng viết văn xuôi cũng là một cách làm thơ... bằng văn xuôi. Cũng như anh vẽ tranh cũng là một cách làm thơ bằng hội họa”.

Vậy nên, bên cạnh một Quang Dũng thơ, một Quang Dũng văn xuôi còn có một Quang Dũng của hội họa. Tất cả tạo nên một người trai đa tài của xứ Đoài mây trắng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn một Quang Dũng hội họa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.