Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người “làm sạch” gió trời và “giành giật” mặt hồ...

ADMIN| 12/06/2003 14:10

Chẳng cứ khi Hà Nội vào hè, không khí oi bức ngột ngạt mới khiến dân thủ đô đổ dồn về hóng mát quanh Hồ Tây. Thế nhưng, người đông lại tỷ lệ thuận với số lượng... rác thải tống thẳng xuống nơi được coi là

“Em đi vớt rác trên hồ”...
Giữa tháng 6, cái nắng chói chang. Chiếc xuồng máy rẽ sóng lướt trên mặt nước. Chếch về phía Nghi Tàm- Quảng Bá cũng đang có một chiếc thuyền to chở đầy rác, trôi bồng bềnh. Công việc hàng ngày của những công nhân XN môi trường Hồ Tây là đi “tua” hai lượt vòng hồ sáng và chiều. Dân sống quanh hồ thường gọi họ là “đội thuyền vớt rác”. Hồ Tây diện tích vào khoảng 560 ha, mặt thoáng lớn, không hiếm những lúc sóng to gió mạnh (năm 1957, một trận cuồng phong đã lật nhào chiếc thuyền lớn làm chết đuối cả một đoàn khách) nên công việc của họ hoàn toàn không đơn giản. Điều khiển xuồng máy hôm đó là anh Nguyễn Đăng Cường- Đội trưởng đội thuyền. Anh Cường vốn thuộc XN nuôi cá Hồ Tây, năm 1996 khi có quyết định thành lập XN môi trường mới được “gom” sang. Công nhân lái xuồng trước đó phải tốt nghiệp một khóa đào tạo, có cấp bằng chứng nhận đàng hoàng.
Không giống như lái xe, nghề cầm lái xuồng lúc nào cũng phải đối mặt với nguy hiểm cận kề. Dọc ngang mặt hồ có tới hàng trăm chấm đen trắng li ti (tất nhiên không hề “phân luồng” như giao thông trên bộ), đến gần mới toát mồ hôi vì đó là những người tứ xứ tới mò trai, ốc, cào hến, giăng lưới bắt cá... Dân xí nghiệp gọi họ là “ma hồ” cũng không sai. Chỉ nhìn thấy chiếc rổ được cạp ba, bốn miếng xốp nổi lềnh bềnh, thình lình một đầu người trồi lên rồi lại ngụp xuống trong chớp mắt. Lắm “cao thủ” còn chẳng cần thau nhựa, rổ xốp, cứ tay không sục sạo lòng hồ... Anh Cường kể, vào dịp Tết năm ngoái đang băng băng chợt nghe đánh “kịch” một cái rồi chết máy. Ngó xuống thì từ làn nước xanh ngăn ngắt dần hiện lên một thi thể xấu số, nhợt nhạt, bị quấn vào chân vịt của xuồng. Hóa ra là xác một người chết đuối còn chưa kịp nổi lên! “Sau bận ấy, chỉ nhìn cái gì nhang nhác như... vỏ dừa tôi cũng giật mình”- anh đùa. Nhưng gần 20 năm rong ruổi đến thuộc lòng khắp các ngóc ngách Hồ Tây, chiếc xuồng anh lái chưa hề chạm vào một người nào vẫn còn... bơi được cả!
Chị Đào Thị Nuôi- Phó giám đốc XN môi trường Hồ Tây cung cấp một vài số liệu với giọng đăm chiêu: Chúng tôi có 22 công nhân, trong đó nữ là 14 người và luôn ở vào tình trạng làm không hết việc. Trang bị phương tiện gồm có 2 xuồng máy, 2 thuyền to, 4 thuyền nhỏ phục vụ cho việc vớt rác và chống lấn chiếm. XN có 3 đội vệ sinh môi trường được khoán theo địa bàn, chia nhau làm sạch mặt nước Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Mưa hay nắng, lúc nào cũng có ít nhất 2 thuyền cần mẫn “tìm” rác trên mặt hồ. Trung bình mỗi ngày công nhân ở đây thu vớt được khoảng 3 m3 rác (tương đương cỡ 2 thuyền to đầy). Những “trọng điểm” xả rác của Hồ Tây là khu vực đường Thanh Niên, bán đảo làng Yên Phụ và một số cụm dân cư thuộc phường Thụy Khuê. Nước hồ đoạn đường Thanh Niên rất bẩn, thường xuyên nổi váng, bốc mùi. Lý do đây là khu vui chơi với gần một chục nhà thuyền. Rác, nước thải, thậm chí cả dầu chạy máy từ các nhà nổi và người đứng chơi cứ “tiện tay” cho xuống. Chưa kể còn có một cái cống lớn (cống Tàu Bay) dẫn nước thải của toàn bộ khu Ba Đình đổ thẳng vào hồ. Hai điểm nóng còn lại là bờ hồ thuộc phường Thụy Khuê và Yên Phụ do đê quá cao, lắm ngóc ngách, xe rác trên bờ không vào được thế là các hộ dân thoải mái vứt rác thành đống, công nhân XN tha hồ... có việc!

Và “cuộc chiến” dai dẳng chống lấn chiếm
Ngồi trên xuồng, chị Kỳ và chị Chi- hai nhân viên Đội chống lấn chiếm, quản lý và bảo vệ mốc giới của XN thi thoảng lại chỉ về phía một chòi nhỏ vừa mới mọc lên như có phép lạ! Té ra, đó là chiêu thức dùng để “ngụy trang” cho việc đổ phế thải xây dựng xuống hồ. Quanh Hồ Tây tấc đất tấc vàng, phương châm mỗi ngày một xô “có công đổ xuống, có ngày... xây được nhà” nên một số hộ (dù không dám công khai cắm cọc đổ đất san hồ như những năm 1995-1996) vẫn cứ âm thầm cơi nới. Nhìn từ giữa hồ, dưới làn nước xanh ngắt, dễ dàng nhận ra từng đụn gạch vữa đã được khéo léo quây tỉa tre nứa, cót ép bên trên...
Thường ngày, chị Kỳ và chị Chi cứ một người ngồi xe máy, người kia lọc cọc xe đạp chia đôi 18 cây số chu vi vòng quanh Hồ Tây “đi tuần”. Công việc chính của họ là “nhác thấy” có nhà nào đang xây dựng gần hồ thì tìm đến mềm mỏng tuyên truyền, vận động trước để họ cam kết không đổ phế thải xuống hồ. Ngoài ra còn liên tục kiểm tra định kỳ các cọc mốc trong chỉ giới quy hoạch. Các chị không hề có một phương tiện, công cụ hỗ trợ nào ngoại trừ thế mạnh là... phụ nữ (nếu phát hiện vụ việc hay bắt được quả tang người vi phạm thì phải báo về đội trật tự của quận hoặc công an phường, XN không có chức năng xử phạt hành chính). Nghe họ kể thì có ối chuyện cứ ngỡ “thật như bịa”. Tỷ như để giải quyết một vụ lấn chiếm cỏn con (cưỡng chế túp lều bắc cầu ra ngoài hồ) có khi phải huy động sự phối hợp của... 8 cơ quan ban ngành cả ở trên bộ lẫn dưới nước, gồm: HĐND quận, HĐND phường, Công an quận (CA), CA phường, Tòa án nhân dân quận, Đội quản lý trật tự quận- phường cùng với bên XN! Có những đối tượng bắc cầu tre, quây cót ép, các bên liên quan vận động tháo dỡ không được bèn nhất trí phương án đưa xuồng đến kéo đổ lều, họ bèn bế con nhỏ chui tọt vào trong, xuồng máy chỉ còn biết.. chào thua. Rồi mặt hồ bao la, tai mắt nào canh đêm cho xuể, sáng ra đã thấy lù lù một đống phế thải nhưng công nhân không phải muốn đến dọn là được ngay. Chàng Chí Phèo hiện đại đóng cổng chẳng cho vào, chị em tiếp cận bằng đường thủy, “anh Chí” lập tức dứng chửi vung vít và hồn nhiên... vạch quần “tè” giữa “chốn ba quân” ngay giữa thanh thiên bạch nhật (!).
Dự kiến đến 2005 công việc xây kè đường vành đai bao quanh Hồ Tây mới được hoàn thành (đây là một trong 9 cụm công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội). Theo chị Nuôi, lúc đó tình trạng lấn chiếm hồ (vấn đề bức xúc nhất hiện nay) sẽ giảm đi đáng kể nhưng việc đổ rác và phế thải thì vẫn có thể xảy ra. Bởi vì, đáng buồn thay, một bộ phận dân cư quanh hồ vẫn có “thói quen” coi lá phổi điều hòa lớn nhất thủ đô là cái “sân sau nhà mình”, nơi chứa rác thải cũng đồng thời là “cái ao chung” lấn lấp, xà xẻo được tí nào hay tí ấy!
Việt Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người “làm sạch” gió trời và “giành giật” mặt hồ...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.