Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để sớm có đường sắt trên cao...

ADMIN| 12/06/2003 14:47

Ùn tắc giao thông nội đô hiện đang là vấn đề bức xúc. Nhiều nguyên nhân được vạch ra kèm giải pháp khắc phục, song hiện trạng vẫn không mấy khả quan. Lập thể hóa các nút giao thông nói chung và điểm giao cắt với đường sắt nói riêng có thể sẽ là một trong những phương án tối ưu để giải quyết tình trạng này.

Ùn tắc giao thông nội đô hiện đang là vấn đề bức xúc. Nhiều nguyên nhân được vạch ra kèm giải pháp khắc phục, song hiện trạng vẫn không mấy khả quan. Lập thể hóa các nút giao thông nói chung và điểm giao cắt với đường sắt nói riêng có thể sẽ là một trong những phương án tối ưu để giải quyết tình trạng này.

Từ những năm đầu thập kỷ 8 của thế kỷ XX đến nay, trên địa bàn Thủ đô, hàng loạt các tuyến phố được quy hoạch lại, mở rộng, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đạt tiêu chuẩn đường cấp cao làm cho bộ mặt đô thị Thủ đô khang trang, hiện đại, bước đầu đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân thành phố.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại, nền kinh tế đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng phát triển và tăng trưởng từng ngày, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, kéo theo nhu cầu đi lại, giao thông tương ứng mạng lưới đường sá của Hà Nội đang bộc lộ những nhược điểm cần khắc phục gấp để giảm bớt tình trạng ùn ứ, ách tắc thường xuyên trên khắp các tuyến phố.
Báo chí và các chuyên gia giao thông vận tải đã đề cập phân tích nhiều nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp cả "tình thế" và lâu dài, nhưng sự triển khai các biện pháp khắc phục ách tắc chưa đạt kết quả như chúng ta mong muốn, ấy là chưa kể có khi lại quá vội vã nôn nóng dẫn đến các kiến nghị, việc làm bất khả thi, bất lợi trong dư luận.
Có lẽ vấn đề bức xúc nhất hiện tại vẫn là cần phải cố gắng "lập thể hóa" các điểm giao cắt các đường phố với tuyến đường sắt cắt ngang nội thành buộc phải làm rào chắn như: Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Nguyễn Khuyến, Khâm Thiên, Kim Liên, Phương Mai, Trường Chinh... và hàng chục đường ngang mới mở trong mấy năm qua.
Trên thực tế, một trong những tồn tại góp vào những nguyên nhân cơ bản gây ách tắc giao thông nội đô chủ yếu khởi đầu từ lúc cổng gác chắn của đường sắt đóng lại cho tàu qua. Mỗi lần như vậy phải mất vài chục phút, có khi lâu hơn, cho nên các loại xe cộ và người gồng gánh hoặc đi bộ bị dồn ứ lại. Mỗi trục phố dọc có hàng chục, thậm chí mấy chục ngõ dồn ra chen chúc nhau, cản ngáng nhau mà sinh ra ách tắc triền miên. Bởi vậy, ngoài những tiện ích và hiệu quả thực tế về giao thông cục bộ, xét về căn nguyên và nhìn ở tầm khái quát hơn, cầu vượt Ngã Tư Vọng mới chỉ giải quyết được cho hai đường phố giao nhau đỡ ùn ứ khi có xe lửa chạy qua mà thôi.
Để giải quyết việc này, đã từ lâu, các chuyên gia giao thông vận tải đề xuất phương án làm đường sắt chạy trên cao suốt từ cầu Long Biên về Văn Điển hoặc ít nhất về Giáp Bát để xóa bỏ các điểm rào chắn của đường sắt hiện tại. Được biết hiện nay, dự án cải tạo, mở rộng cầu Long Biên cũng đang được khẩn trương nghiên cứu và dự án xây dựng hệ thống đường sắt chạy trên cao cho Hà Nội cũng đã có hồ sơ thiết kế.
Như vậy, câu hỏi còn lại là: Đến bao giờ chúng ta mới có được tuyến đường sắt trên cao để Hà Nội chấm dứt cảnh ùn tắc giao thông do... xe lửa? Câu trả lời lệ thuộc vào nhiều cấp và trước hết là Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi đó một phương án xây dựng "cầu cạn" kéo dài từ Nam Long Biên đến Văn Điển hoặc Giáp Bát có thể nói đã nằm "trong tầm tay" chúng ta. Bởi việc thi công, triển khai có rất nhiều thuận lợi, hàng lang đường sắt đã có sẵn, việc giải phóng mặt bằng không khó khăn nhiều, khả năng khoan nhồi cọc làm trụ và lao lắp dầm "cầu cạn" của các Cty cầu nước ta hiện thừa sức thi công trong thời gian nhanh nhất. Điều còn băn khoăn là kinh phí, chúng ta có thể vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc quỹ phát triển Châu á (ADB), nếu cần thì huy động tiền của bà con Thủ đô bằng trái phiếu...
Mức độ bức xúc của đường sá Hà Nội đã quá rõ. Lập thể hóa các nút giao thông nói chung và điểm giao cắt với đường sắt nói riêng có thể nói sẽ là một trong những phương án tối ưu chống ùn tắc giao thông nội đô. Hy vọng với phát huy những nội lực sẵn có và sự linh hoạt, sáng tạo của các cấp lãnh đạo thành phố, Dự án xây dựng một đường sắt trên cao Thủ đô sẽ sớm được triển khai, thực hiện trong một tương lai gần.
Trường Giang

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để sớm có đường sắt trên cao...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.