Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cột cờ Hà Nội

ADMIN| 12/06/2003 15:19

Đứng sừng sững, uy nghi ngay bên dãy đường chẵn của đường Điện Biên Phủ thuộc quận Ba Đình - Hà Nội, di tích cột cờ được xây dựng từ năm 1805 trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long.

Đứng sừng sững, uy nghi ngay bên dãy đường chẵn của đường Điện Biên Phủ thuộc quận Ba Đình - Hà Nội, di tích cột cờ được xây dựng từ năm 1805 trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long.

Thực ra, phải gọi là Kỳ đài mới đủ nghĩa (kỳ: cờ, đài : nhà làm cao để có thể nhìn xa, nhìn rộng được). Thêm vào đó, trong hệ thống phòng thủ của thành nhà Nguyễn, kỳ đài còn có chức năng là vọng canh, vì theo trục bắc - nam, kiến trúc này chỉ cách Đoan Môn khoảng 300m, điện Kính Thiên 500m và cửa Bắc chừng gần 1000m. Từ trên đỉnh của kỳ đài có thể quan sát cả một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ.

Nhìn tổng thể thì cột cờ (kỳ đài) gồm những khối lăng trụ xếp chồng nhau, cao thót dần từ dưới lên trên . Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, khoẻ khoắn, vững vàng. Đứng dưới chân cột cờ, dù cảm thấy đỉnh cao ngất, nhưng không hề có cảm giác nặng nề, mà trái lại, vẻ dáng của nó hài hoà, thanh thoát giữa các tam cấp, thân cột và vọng canh. Ở mỗi cấp, tường xây được trang trí bằng những hoa văn khác nhau, tuy đơn giản nhưng lại tạo ra những đường nét mềm mại và vẻ đẹp riêng cho từng cấp. Đáng chú ý là ở cấp thứ ba bố trí 4 cửa theo hướng đông, tây, nam, bắc. Những cửa này thông với nhau qua cửa tò vò tạo nên nhiều phòng nhỏ có trần vòng cuốn. Tại trần nhà cửa hướng bắc có hai lỗ thông lên mặt sân thượng, có thể đó là ống truyền âm từ trên xuống (dạng loa miệng). Trừ cửa hướng bắc, các cửa khác đều có tên riêng. Cửa hướng đông tên là Nghênh Túc (đón ánh sáng ban mai) cửa hướng tây tên là Hồi Quang (nhìn về hoàng hôn), cửa hướng nam tên là Hướng Ninh (trông theo ánh mặt trời). Việc đặt tên cho mỗi cửa có ý nghĩa trong việc lợi dụng triệt để ánh sáng tự nhiên trong kiến trúc mà ông cha ta thường quan tâm chú ý. Cửa đông giúp cho công trình này có được ánh sáng buổi sớm cửa tây đón ánh sáng buổi chiều, còn cửa nam tiếp nhận ánh sáng ở những thời điểm mà hai cửa kia không tiếp nhận được, hoặc để đón ánh sáng ỏ khoảng trung gian. Như ta đã biết, do trái đất quay xung quanh mặt trời và trục trái đất nghiêng theo chiếu bắc – nam, vì thế cửa hướng nam nhận được nhiều ánh sáng nhất trong ngày, nhưng ánh sáng đó có chiều xiên chứ không trực tiếp thẳng như cửa đông và tây.

Ở cửa hướng bắc được bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phỉa và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt. Sân thượng được bao quanh bằng lan can gỗ cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau trông tựa hình mạng nhện.

Muốn lên được vọng canh phải qua được cửa tò vò, hai bên có hai cầu thang được xếp cân đối, mỗi cầu thang có 54 bậc, bề ngang chỉ vừa một người đi. Tuy thế, nhờ có các lỗ thông hơi chạy xung quanh thân cột nên ánh sáng tự nhiên và không khí lúc nào cũng được thông thoáng. Vọng canh có cấu trúc như một lầu gác, trên có mái che và tương ứng với 8 diện tường là 8 cửa sổ, có thể đủ cho 5-6 người đứng quan sát. Phần mái nhìn giống như hình nón đội, xương mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói và giữa đỉnh mái có cột sắt cùng với ròng rọc để treo cờ. Theo các nguồn sử liệu cho biết thì Gia Long cho phá thành Thăng Long để xây thành mới kiểu Vô-băng với sự tận dụng triệt để nguyên vật liệu cũ. Gạch vồ thời Lê đã được sử dụng chủ yếu vào việc ốp tường tam cấp. Còn sự có mặt của những loại nguyên liệu xi măng, sắt thép ở đây chứng tỏ cột cờ đã qua nhiều lần tu sửa sau này.

Vào những ngày lễ, Tết cổ truyền, cột cờ HN lại được trang hoàng lộng lẫy trong ánh điện lung linh, tôn thêm lên lá cờ đỏ sao vàng của Tổ Quốc đang lồng lộng tung bay trên vẻ rêu phong cổ kính của kỳ đài.

Thành Dân
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cột cờ Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.