Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có mấy vòng thành Cổ Loa ?

ADMIN| 12/06/2003 15:29

Sơn Kỳ

Trước hết, hiện tại chúng ta đều thấy di tích này gồm 3 vòng thành khép kín, thứ tự từ trong ra ngoài là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại theo như tên thường gọi. Thành Nội hình chữ nhật, mở một cửa trông thẳng vào kiến trúcNgự triều di quy, chu vi 1650m, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng 6 – 12m, chân rộng 20 – 30m. Thành Trung là một vòng thành không có hình dáng cân xứng, dài 6.500m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng khoảng 10m, chân choãi rộng chừng 20m, mở 5 cửa ở các hướng nam, đông, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó Cửa Đông mở lối cho nhánh sông Hoàng Giang chảy vào sát thành Nội. Tựa như thế, thành Ngoại cũng là một đường cong không có hình dáng rõ rệt, dài khoảng 8000m, đã bị phá huỷ nặng nề. Những đoạn thành còn lại cao trung bình từ 3 – 4m, chân thành rộng khoảng 12 – 20m, mở 4 cửa ra hướng nam, bắc, đông và tây nam, trong đó Cửa Nam là cửa thông với thành Trung ở phía trong, Cửa Đông nối liền với Hoàng Giang.
Sử cũ kể lại, khi cuộc kháng chiến của An dương Vương thất bại vào năm 179 trước Công nguyên, thành Cổ Loa đã trải qua không ít biến động. Chính tại đây, Mã Viện từng cho xây đắp Kiển Thành. Đầu thế kỷ VII, Lý Phật tử có một thời gian đóng quân ở thành Cổ Loa để chống lại quân Tuỳ. Đến năm 939, sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền cũng đã đóng đô ở thành Cổ Loa. Vì vậy, việc phân biệt rạch ròi toà thành xây dựng từ thời AN Dương Vương với những gì bổ sung khác biệt của giai đoạn lịch sử sau này là điều cần thiết.
Cái khác nhau đầu tiên có thể nhận thấy khá rõ ràng trên thực tế là hai vòng thành ngoài hoàn toàn dựa vào địa thế tự nhiên, chạy ngoằn ngoèo. Trong khi đó, vòng thành trong cùng được tạo dựng theo hình chữ nhật nghiêm chỉnh và đúng hướng nam. Một nhà khảo cổ học có kinh nghiệm lâu năm trong việc nghiên cứu thành cổ cho biết rằng, qua các cuộc khai quật khảo cứu tại di tích này người ta đã phát hiện khá nhiều mộ Hán, giếng thời Hán và cả những hiện vật thuộc văn hoá Hán chứ không phải của văn hoá Đông Sơn. Đặc biệt ở ngay chính vòng thành trong cùng này còn tìm thấy cả loại ngói thời Hán vốn dùng để lợp mái cho mặt thành. Như vây, không phải không có cơ sở khoa học để nghĩ tới một điều : toà thành của Mã Viện chính là vòng thành Nội hiện vẫn còn lại dấu tích, còn thành Cổ Loa thời An Dương Vương thì chỉ có vòng thành Ngoại và thành Trung mà thôi.
Sơn Kỳ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có mấy vòng thành Cổ Loa ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.