Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến trình hoà bình Trung đông (Từ 1991 đến 2001)

ADMIN| 12/06/2003 16:16

Kim Dung

Ngày 30-10-1991, Hội nghị hoà bình Trung Đông với sự tham dự của I-xra-en và 4 nước Ả rập là Li-băng, Xi-ri, Gioóc-đa-ni, Ba-ranh đã được tổ chức tại thành phố Ma-đrít (Tây Ban Nha) sau khi có những biến đổi quan trọng trên chính trường quốc tế. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ không còn đối thủ tranh giành vị trí bá quyền và sau chiến tranh Vùng Vịnh I, ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông tăng cao khiến lập trường của thế giới Ả rập đối với Mỹ thay đổi rất lớn, một số nước như Ả rập Xê-út, Cô-oét nhận thấy cần phải dựa vào Mỹ cả về mặt quân sự và kinh tế. Vị trí đồng minh chiến lược duy nhất của Mỹ ở Trung Đông đã bị lung lay, I-xra-en không thể không suy tính biện pháp để duy trì mối quan hệ cũ với Mỹ. Trong tình hình ấy, Ngoại trưởng Mỹ Bây-cơ đã 8 lần đến Trung Đông, thực hiện ngoại giao con thoi dùng thủ đoạn vừa kéo vừa ép các nước Ả rập và I-xra-en tham dự hội nghị Hoà bình Trung Đông. Đây là một sự kiện được cả thế giới quan tâm vì trong gần nửa thế kỷ qua hai bên đã 5 lần giao chiến, luôn giữ tư tưởng thù địch nhau, nay lại ngồi cùng trên bàn đàm phán mà Pa-le-xtin vẫn là vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, người Pa-le-xtin cũng chỉ giành được quyết nghị về quyền tự trị hạn chế đối với lãnh thổ bị chiếm ở một mức độ I-xra-en có thể chấp nhận được.
Trước khi bước vào vòng đàm phán thứ 11 của Hội nghị hoà bình Trung Đông khai mạc ngày 31-08-1993 tại Oa-sinh-tơn, I-xra-en và PLO đã có nhiều cuộc thương lượng về nội dung trao quyền tự trị tạm thời cho người Pa-le-xtin ở dải Gada và thành phố Giê-ri-cô. Ngày 13-09-1993, tại Oa-sinh-tơn, Bộ trưởng ngoại giao I-xra-en Xi-môn Pê-rét và Uỷ viên Ban chấp hành tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) Áp-bát đã ký hiệp định hoà bình Oslo, theo đó I-xra-en trao quyền tự trị cho người Pa-le-xtin ở dải Ga-da. Chính quyền tự trị của người Pa-le-xtin tại những vùng bị chiếm đóng trong thời gian chuyển tiếp 5 năm có nhiệm vụ thiết lập một chính quyền tự trị Pa-le-xtin lâm thời trong thời kỳ quá độ với điều kiện đàm phán về quy chế cuối cùng sẽ được bắt đầu vào đầu năm thứ ba trên cơ sở Nghị quyết 242 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Để thực hiện nghị quyết đó, I-xra-en chuyển giao chính quyền cho phía Pa-le-xtin trên một số lĩnh vực và rút hoàn toàn khỏi Ga-da và thành phố Giê-ri-cô trong vòng 4 tháng kể từ khi ký kết hiệp định. Trong thời gian quá độ, Pa-le-xtin chịu trách nhiệm an ninh nội bộ và I-xra-en chịu trách nhiệm an ninh bên ngoài. Thời gian 5 năm dành cho quyền tự trị hạn chế của người Pa-le-xtin bắt đầu từ ngày 13-12-1993.
Ngày 4-11-1995, Thủ tướng I-xra-en I-sắc Ra-bin, nhà lãnh đạo có nhiều công đóng góp vào tiến trình hoà bình Trung Đông bị ám sát. Tuy nhiên, nhờ những cố gắng của I-xra-en và PLO cùng những hoạt động ngoại giao của Mỹ và Ai Cập tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn được thực hiện. Cuối năm 1995, quân đội I-xra-en đã lần lượt rút khỏi 6 thành phố ở Bờ Tây sông Gioóc-đan và Đông Giê-ru-xa-lem đã diễn ra cuộc bầu cử đầu tiên của người Pa-le-xtin để bầu Hội đồng chấp hành tự trị Pa-le-xtin gồm 88 thành viên. Chủ tịch Y.A-ra-phát đã trúng cử Chủ tịch Hội đồng với hơn 88% số phiếu. Thắng lợi này đặt nền tảng để tiến tới thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập.
Tháng 6-1996, Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu trở thành Thủ tướng I-xra-en. ý tưởng chống lại Hiệp định Oslo và phong cách kiêu ngạo của B. Nê-ta-ni-a-hu đã làm căng thẳng thêm bầu không khí thù địch giữa I-xra-en và các nước Ả-rập. Ông ta đã đơn phương thực hiện một số bước như được tính toán trước để chọc giận người Pa-le-xtin như xúc tiến dự án Har Homa cho phép người Do Thái xây khu định cư trên khu vực tự trị của người Pa-le-xtin ở phía Đông Giê-ru-xa-lem, quyết định này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành động cực đoan của các Hồi giáo vũ trang sau này. Tiến trình hoà bình Trung Đông do đó gần như bị đình lại.
Ngày 11-07-1999, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng kế tiếp của I-xra-en Ê-hút Ba-rắc và Chủ tịch Y.A-ra-phát đã diễn ra tại một căn cứ quân sự I-xra-en trong nỗ lực làm sống lại tiến trình hoà bình Trung Đông và khẳng định lại cam kết chấm dứt nhiều năm xung đột giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo hai nước đã đạt được thoả thuận để cho người Pa-le-xtin đi lại tự do hơn nữa ở dải Ga-da và Bờ Tây bắt đầu từ ngày 1-10-1999. Tuy nhiên, những bất đồng về quyền kiểm soát lãnh thổ một lần nữa lại đưa tiến trình hoà bình Trung Đông đi vào thế bế tắc. Ngày 25-07-2000, cuộc đàm phán hoà bình giữa Mỹ-I-xra-en- Pa-le-xtin đã thất bại. Các vụ tấn công vào I-xra-en và các khu định cư của người Do Thái liên tục gia tăng những năm sau đó đã khiến tình hình càng trở nên bi đát mặc cho những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Năm 2001, Thủ tướng A-ri-en Sa-rôn lên nắm quyền và những tư tưởng hiếu chiến của ông ta đã khiến lộ trình hoà bình Trung Đông gần như bị đóng băng hoàn toàn thể hiện qua các cuộc càn quét, đàn áp, phong toả do quân đội I-xra-en thực hiện tại những khu vực tự trị của người Pa-le-xtin làm vô số dân thường thiệt mạng.
Kim Dung
(Tổng hợp)



(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến trình hoà bình Trung đông (Từ 1991 đến 2001)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.