Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó trong kiểm soát lây nhiễm Covid-19 tại bệnh viện

Thu Trang| 22/08/2020 12:02

(HNMO) - Ngày 22-8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các bệnh viện trên địa bàn thành phố với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị.

Tạm dừng hoạt động 3 bệnh viện vì không bảo đảm an toàn

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 19-8 đến sáng 22-8, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 36 ca mắc Covid-19, chưa có ca tử vong, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 25 ca nhập cảnh đã được cách ly.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 111 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập của thành phố, 39 bệnh viện ngoài công lập, 32 bệnh viện trung ương, các bộ, ngành cùng hàng nghìn phòng khám đa khoa và chuyên khoa. Trong 11 trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng trên địa bàn thành phố, có 8 ca lây nhiễm trong bệnh viện. Vì vậy, bệnh viện vẫn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Đề cập công tác kiểm tra việc phòng, chống dịch tại bệnh viện, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, thành phố đã kiểm tra 46 bệnh viện trong và ngoài công lập. Kết quả, 34/46 bệnh viện được đánh giá an toàn; 9/46 bệnh viện ở mức thấp, gồm: Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Chữ thập xanh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Bệnh viện phụ sản An Thịnh, Bệnh viện Mắt Nhật Bản, Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội cơ sở I; 3/46 bệnh viện không an toàn, gồm: Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Bệnh viện Mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hi-Tech. Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện không an toàn tạm dừng hoạt động khám, chữa bệnh để khắc phục những tồn tại.

Qua kết quả kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đánh giá, các bệnh viện đã bám sát các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, UBND thành phố và Sở Y tế Hà Nội về thực hiện, áp dụng các biện pháp bệnh viện an toàn. Tuy nhiên, một số bệnh viện cần khắc phục và rút kinh nghiệm ngay những mặt tồn tại. Cụ thể, kế hoạch của một số bệnh viện chưa chi tiết và chưa phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo phòng dịch; công tác kiểm soát người ra, vào bệnh viện có nơi chưa triệt để; tại cổng một số bệnh viện chưa bố trí chốt phân luồng. Việc đeo khẩu trang đối với người bệnh và người nhà người bệnh chưa đầy đủ, có những bệnh viện chưa thực hiện giãn cách đầy đủ tại các khu vực đông người và buồng bệnh.

Phải kiểm soát cơ sở dịch vụ xung quanh bệnh viện

Đề cập những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại bệnh viện, đại diện Bệnh viện Hữu nghị cho rằng, các đối tượng khám, điều trị tại bệnh viện chủ yếu là bệnh nhân tuổi cao, dễ có nguy cơ mắc Covid-19. Do đó, ngay khi dịch xảy ra, bệnh viện đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, do bệnh viện nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, diện tích không rộng nên việc tổ chức giãn cách giữa các bệnh nhân, giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân còn khó khăn, nhất là vào thời điểm buổi sáng, khi số lượng bệnh nhân đông.

Ông Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương chia sẻ, lo ngại nhất của bệnh viện là khó kiểm soát người nhà bệnh nhân đi ra, vào mua sắm, ăn uống ở các quán ăn xung quanh bệnh viện, trong khi nguy cơ dịch từ bên ngoài xâm nhập vào bệnh viện rất cao. Do đó, thành phố cần tăng cường kiểm soát các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh các bệnh viện, giám sát an toàn thực phẩm và sức khoẻ của những người kinh doanh quán ăn...

Chung quan điểm, ông Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận tới 5.000 người, dù đã tăng cường sàng lọc, kiểm soát tại 3 cổng bệnh viện nhưng công tác quản lý, kiểm soát người ra, vào vẫn hết sức khó khăn. Chưa kể, khu vực trước cổng bệnh viện luôn tập trung đông đội ngũ xe ôm... không đeo khẩu trang nên nguồn bệnh bên ngoài bệnh viện cũng rất khó kiểm soát.

Nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm an toàn, phân luồng trong công tác khám, chữa bệnh

Qua 15 ý kiến của các bệnh viện, sở, ngành tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh, thời gian qua, công tác phòng dịch tại bệnh viện đã được quan tâm, nhưng đã ghi nhận một số ca dương tính liên quan đến bệnh viện, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn... Liên quan đến các ca bệnh tại bệnh viện, đã có hơn 28.000 người phải cách ly. Gần đây, ổ dịch tại Đà Nẵng, cũng xuất phát từ bệnh viện, đã lây lan ra 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nêu lại trường hợp vừa qua tại Bệnh viện E. Bệnh nhân này đã đi qua 4 khoa, phòng tại bệnh viện. Thậm chí, khi khám xong, bệnh viện còn cho bệnh nhân về nhà. Do đó, có đến 10 trường hợp F1 tại gia đình và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân này. May mắn, sau 4 lần xét nghiệm, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Nếu bệnh nhân này mắc Covid-19, nguy cơ lây lan dịch rất cao. Đây là bài học để các bệnh viện sớm có biện pháp phòng ngừa cũng như nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm an toàn, phân luồng trong công tác khám, chữa bệnh.  

Để triển khai công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện, ngoài 37 tiêu chí an toàn bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các bệnh viện thực hiện thêm 7 nội dung. Đó là: Xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể khi có tình huống dịch xảy ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế, bác sĩ, chuẩn bị phòng cách ly cho bệnh nhân, phòng sàng lọc, phòng cách ly ca nghi ngờ, khu vực cách ly cho nhân viên y tế; thực hiện phân luồng, có biển báo hướng dẫn, bảng tiếp nhận, phân loại, kiểm tra thân nhiệt, khám sàng lọc, cách ly ca nghi ngờ; có quy định cụ thể đối với người khám bệnh, người nhà đến chăm sóc; quy định cán bộ, y, bác sĩ trong bệnh viện, quy định hoạt động nội bộ trong bệnh viện từ khâu xét nghiệm đến chẩn đoán hình ảnh, vận chuyển người bệnh, điều trị tại các khoa...; áp dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, hội chẩn từ xa; vệ sinh bệnh viện, xử lý chất thải trong bệnh viện bảo đảm phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, mỗi bệnh viện tự đánh giá mức độ an toàn theo các tiêu chí của Bộ Y tế, nếu chưa đạt yêu cầu phải tiếp tục nâng mức an toàn lên cao hơn. Mặt khác, bệnh viện phải tăng cường sàng lọc và chỉ định xét nghiệm trước hết đối với những bệnh nhân nghi ngờ và có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng; có biện pháp phòng bệnh đối với những bệnh nhân có bệnh mạn tính, người cao tuổi, bệnh nhân tại khu vực hồi sức cấp cứu và đặc biệt quan tâm phòng hộ cho cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan của trung ương giúp kiểm tra công tác an toàn tại các bệnh viện do trung ương quản lý. Đối với thành phố Hà Nội, với các bệnh viện, Sở Y tế tiếp tục tập trung kiểm tra và hoàn thành công tác này vào tuần sau. Đối với các phòng khám ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô, các địa phương cũng phải tăng cường kiểm tra. Qua đó, có thông báo xếp loại, đánh giá tình hình các cơ sở khám, chữa bệnh. Nơi nào không đáp ứng được điều kiện an toàn thì dừng hoạt động và trong 7 ngày phải khắc phục xong.

Đối với kiến nghị về việc các cơ sở dịch vụ, hàng quán khu vực xung quanh bệnh viện nhếch nhác, gây mất an ninh trật tự, có nguy cơ lây lan dịch vào bệnh viện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo tất cả các quận, huyện, thị xã kiểm tra và xử lý ngay. Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố cũng đề nghị các bệnh viện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường thực hiện nội dung này.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó trong kiểm soát lây nhiễm Covid-19 tại bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.