Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Sóng gió ngoại giao

Quỳnh Dương| 10/10/2017 06:23

(HNM) - Trong lúc căng thẳng với Đức chưa hạ nhiệt, Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng trước một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Mỹ khi trong 2 ngày cuối tuần, cả Washington và Ankara liên tục đưa ra những đòn trả đũa lẫn nhau liên quan tới việc ngừng cấp thị thực.

Quan hệ vừa được “hâm nóng” giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ rơi vào băng giá sau những tranh cãi nảy lửa.


Ngày 9-10, chỉ ít giờ sau khi Mỹ thông báo ngừng cung cấp thị thực, không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại tất cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp trả bằng một động thái tương tự. Thông báo của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Washington (Mỹ) nêu rõ, quyết định trên sẽ được áp dụng đối với thị thực trong hộ chiếu, thị thực điện tử, thị thực được cấp tại biên giới cũng như các loại thị thực được cấp tại các trụ sở ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ. Tuyên bố của Ankara cho rằng, cần phải xem xét lại những cam kết về an ninh của Washington đối với các phái bộ và nhân viên ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ.

Những phát ngôn gay gắt của cả hai bên dường như đã “giội gáo nước lạnh” vào mối quan hệ mới ấm trở lại sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vào tháng 5 vừa qua. Trên thực tế, trong 2 năm gần đây, mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn bị bao phủ bởi nhiều mâu thuẫn và nghi kỵ. Cho dù thời gian qua, Mỹ đã giữ khoảng cách rất xa khỏi cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ankara và Liên minh Châu Âu (EU), liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, song nhìn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Mỹ hiện nay vẫn có thái độ không rõ ràng trong nhiều vấn đề chủ chốt. Nhất là việc Washington phớt lờ yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania, người được cho là đứng đằng sau âm mưu lật đổ Tổng thống R.Erdogan vào tháng 7 năm ngoái. Theo lập luận của giới chức Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng về sự tham gia của giáo sĩ này trong âm mưu đảo chính thì mới chuyển giao tội phạm.

Căng thẳng càng leo thang khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố về việc có "bàn tay nước ngoài" dính líu vào vụ chính biến. Thậm chí, Văn phòng Công tố thành phố Edirne còn không ngần ngại “điểm mặt” Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có liên đới khi hỗ trợ đào tạo lực lượng nòng cốt trong phong trào của giáo sĩ Gulen.

Không những thế, Ankara còn "khó chịu" về sự ủng hộ của Mỹ đối với các nhóm dân quân người Kurd (YPG), vốn được Washington coi là đội quân chiến đấu tinh nhuệ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Trong khi đó, YPG lại bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố... Giữa tháng 6 vừa qua, nhà chức trách Mỹ đã phát lệnh bắt giữ 12 nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vụ đụng độ người biểu tình trên đất Mỹ. Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những phản ứng mạnh mẽ. Ngoài việc triệu Đại sứ Mỹ tại Ankara tới phản đối, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định, quyết định của Mỹ là "sai lầm, thiên vị và thiếu cơ sở pháp lý". Để đáp trả, cuối tuần trước, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một nhân viên lãnh sự Mỹ tại Istanbul do cáo buộc có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, một động thái mà Mỹ lên án là vô căn cứ và làm tổn hại quan hệ giữa các đồng minh trong NATO.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy căng thẳng ngoại giao Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm nhiệt. Theo giới quan sát, bất đồng chồng chất khiến sóng gió ngoại giao giữa hai nước ngày càng mạnh và cản trở nỗ lực hợp tác của hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như giải quyết các vấn đề trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Sóng gió ngoại giao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.