Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế tư nhân sử dụng 85% lao động, đóng góp 39-40% GDP

Quốc Bình| 13/04/2017 12:52

(HNMO) - Sáng nay (13-4), tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới”.



Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, hơn 30 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhận thức rõ hơn, đánh giá đầy đủ hơn. Tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhận thức về vai trò kinh tế tư nhân có bước phát triển mới. Đại hội chỉ rõ: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp phần vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Như vậy, kinh tế tư nhân từ chỗ là một trong những động lực của nền kinh tế đến được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; từ chỗ được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm đến chỗ được khuyến khích phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu. Quan điểm, đường lối của Đảng đã được Nhà nước thể chế hoá thành Hiến pháp, pháp luật, các cơ chế chính sách đã tạo ra cơ sở pháp lý ngày càng thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta trong những năm vừa qua. Kết quả là kinh tế tư nhân nước ta đã phát triển nhanh, có đóng góp lớn, có vị thế ngày càng quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Năm 2002, cả nước có 2,6 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp và 55.236 doanh nghiệp tư nhân; đến năm 2016, cả nước có 4,6 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp và 495.826 doanh nghiệp tư nhân. Riêng năm 2016, có hơn 110.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Kinh tế tư nhân sử dụng 85% lao động trong nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003-2015 là 10,2%/năm, đóng góp khoảng 39-40% GDP cho đất nước. Trên cả nước đã bước đầu hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Chẳng hạn, năm 2015, kinh tế tư nhân đóng góp 39,21% GDP cả nước, nhưng các hộ cá thể đã đóng góp 31,33% GDP cả nước, doanh nghiệp tư nhân mới đóng góp 7,88%. Chưa kể, 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, đổi mới chậm; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm... còn thấp. Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý, hơn 80% hoạt động thương mại, dịch vụ chỉ có hơn 10% hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm xuống, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động giai đoạn 2007-2015 là 45-50% số doanh nghiệp mới thành lập.

Tại hội thảo đã có 11 ý kiến phát biểu của các chuyên gia, doanh nhân, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Các ý kiến đã nhận diện sâu sắc, toàn diện về vai trò vị thế, đóng góp và những hạn chế của kinh tế tư nhân; đề xuất các giải pháp đồng bộ căn cơ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đúng vị thế cần có, tiềm năng của kinh tế tư nhân. Có ý kiến cho rằng, kinh tế tư nhân không chỉ có các doanh nghiệp mà tiềm năng lớn chính là 4,6 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để các hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp thì đây là nguồn lực hết sức lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, đòi hỏi sự đổi mới và cải cách đồng bộ của cả hệ thống quản trị kinh tế quốc gia nhìn ở các góc độ liên quan từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp; thực hiện ở cả trung ương, địa phương và cơ sở. Điều doanh nghiệp, doanh nhân cần nhất lúc này là môi trường làm ăn bình đẳng và an toàn.

Kết luận hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định sẽ tiếp thu, chắt lọc các ý kiến để bổ sung vào báo cáo của Hội đồng Lý luận Trung ương gửi Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tư nhân sử dụng 85% lao động, đóng góp 39-40% GDP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.