Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hồi tài sản bất minh - khó vẫn phải làm

Hương Ly| 22/11/2017 07:12

(HNM) - Thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc thu hồi tài sản tham nhũng là mong mỏi lớn của cử tri, do vậy, dù khó vẫn phải thực hiện bằng được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh (tỉnh Bình Dương) phát biểu tại buổi thảo luận.


Chỉ thu hồi được gần 8% tài sản tham nhũng

Nêu bất cập về hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng hiện nay cồng kềnh và chưa hiệu quả, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện cả nước có tới 478 đầu mối các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, nhưng việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém. Các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt do thẩm quyền còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng. Nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn nhưng chậm bị phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ, xử lý.

Dẫn số liệu thiệt hại vật chất do tham nhũng gây ra trong 10 năm qua là gần 60.000 tỷ đồng nhưng số tiền thu hồi được chỉ là 4.600 tỷ đồng, chưa bằng 8%, đại biểu cho rằng, tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không thể thu hồi. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên tài sản tham nhũng. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào luật các quy định xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng và giải pháp nâng cao hiệu quả việc kiểm soát biến động về tài sản thu nhập, xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình hợp lý về biến động tài sản, thu nhập.

Góp ý kiến về việc nâng cao chất lượng phòng, chống tham nhũng, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn đúng đối tượng sẽ giúp đạt được mục tiêu đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, cần nghiên cứu các thống kê, kiến nghị hằng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế về lĩnh vực và vị trí công tác thường có nhiều tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng cao. Bên cạnh đó, cần thống kê án đã xét xử hằng năm về tội phạm tham nhũng ở những chức vụ và lĩnh vực cụ thể để từ đó đề xuất quy định về minh bạch tài sản. Theo đại biểu, có ngành, lĩnh vực mà bất kỳ công chức chuyên môn nào cũng đều phải kê khai, đồng thời có ngành, lĩnh vực chỉ quy định chức danh chức vụ nhất định phải kê khai tài sản. "Một đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách chưa chắc có nhiều tài sản hoặc nguy cơ tham nhũng bằng cán bộ địa chính một xã, cán bộ trật tự xây dựng của phường hay kế toán một trường học, bệnh viện" - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhận định.

Về nghĩa vụ kê khai tài sản được quy định tại Điều 40 dự thảo luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, ngoài vợ, chồng và con chưa thành niên, dự thảo cần quy định thêm cả bố mẹ và con đã thành niên. Theo đại biểu: "Không nên vì dân đang bức xúc, dân quan tâm mà phải có ngay luật. Chúng ta không làm luật để làm hài lòng dân mà làm luật để người dân cùng chúng ta có thêm công cụ để phòng, chống tham nhũng".

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, chỉ nên quy định kê khai từ cấp trưởng, phó phòng và tương đương trở lên để có thể quản lý chặt và tổ chức xác minh tốt hơn, không bị áp lực về số lượng quá nhiều, diện quá rộng. Điều quan trọng nhất trong thực hiện chủ trương kê khai tài sản là việc xử lý tài sản bất minh phát hiện thông qua xác minh.

Thu hồi tài sản tham nhũng, vì sao để ngỏ?

Góp ý về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đại biểu Đoàn Bắc Kạn) cho biết, kỳ vọng của cử tri đối với việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hồi tài sản tham nhũng hiện rất thấp. Theo đại biểu, vừa qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng, nhưng người kê khai chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, chứ không thể thu hồi được tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. "Thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp là vấn đề mới và khó. Các nước trên thế giới đều đã và đang trải qua những khó khăn giống Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng, nhưng họ đã tìm ra cơ chế để sớm thu hồi tài sản tham nhũng. Chúng tôi rất mong ban soạn thảo tiếp thu vấn đề này để thảo luận thấu đáo" - đại biểu kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, cần bổ sung quy định về tài sản bất minh, qua đó trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng "truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản". Thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang khu vực tư, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, việc lợi dụng quyền hạn để vụ lợi tại khu vực tư, về bản chất, cũng không khác khu vực công, nên hành vi này cũng phải được coi là tham nhũng. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn chính sách; đưa hối lộ hoặc thông đồng với cơ quan nhà nước để tư lợi, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước...

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Trung ương đã hai lần chỉ đạo về việc từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức. Việc quy định các cơ quan tổ chức kiểm soát tài sản thu nhập là cần thiết, nhằm hình thành quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, qua đó góp phần kịp thời phát hiện, xử lý tham nhũng.

Phiên thảo luận đã nghe 42 ý kiến phát biểu và 11 ý kiến tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, tiếp tục trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi tài sản bất minh - khó vẫn phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.