Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục “bệnh” lười học nghị quyết

Ngọc Hà| 16/12/2017 07:27

(HNM) - Lười học nghị quyết của Đảng là một biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Lười học nghị quyết sẽ dẫn tới việc cán bộ, đảng viên không cập nhật được thông tin mới, rơi vào “thấp kém lý luận” và từ đó dẫn tới “tự diễn biến”,


Những hệ lụy khôn lường

“Bệnh” lười học nghị quyết của cán bộ, đảng viên là một phần của biểu hiện thứ ba trong số 9 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Cụ thể là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Lãnh đạo TP Hà Nội học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng.
Ảnh: Bá Hoạt


Nghị quyết của Đảng là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo Đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể. Cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo không học tập, quán triệt để nắm chắc, hiểu sâu về nghị quyết của Đảng sẽ dẫn đến những hệ lụy. Thứ nhất, không hiểu thì không thể tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai, không thể triển khai thực hiện, không đưa được nghị quyết vào cuộc sống. Thứ ba, không đấu tranh được với các quan điểm sai trái, thù địch. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn có bộ phận cán bộ, đảng viên lười học nghị quyết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên do lười học nghị quyết của Đảng. Tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Phải kiên quyết khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ...”. Còn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, không ngăn chặn được sự suy thoái đó, cán bộ, đảng viên sẽ làm mất bản chất cách mạng, mất vị trí lãnh đạo.

Đề cao kỷ luật, phát huy tinh thần tự giác

Nhận thức sâu sắc sự nguy hại của “bệnh” lười học nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã chủ động đề ra các giải pháp khắc phục. Mới đây nhất, lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Thành ủy Hà Nội nêu rõ: “Việc tham gia học tập, quán triệt các nghị quyết và viết thu hoạch cá nhân được coi là một căn cứ đánh giá, phân loại, bình xét thi đua cuối năm của các cơ quan, đơn vị”. Không những đặt ra yêu cầu cao đối với chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của tập thể cấp ủy, Thành ủy Hà Nội còn yêu cầu đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cá nhân thực hiện nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa bằng các giải pháp mạnh vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương, vừa phát huy tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên trong học tập nghị quyết. Tại Đảng bộ huyện Sóc Sơn, sau mỗi lần học tập nghị quyết, bài thu hoạch của cán bộ, đảng viên được đánh giá về chất lượng nội dung. Cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu nghiêm túc trong thực hiện bài thu hoạch nhẹ thì bị nhắc nhở, phê bình; nặng là đưa vào đánh giá thi đua cuối năm.

Trong khi đó, tại Đảng bộ quận Long Biên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã xây dựng chuyên đề đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, quận đề cao việc kiểm tra, giám sát về ý thức của cán bộ, đảng viên. Cuối mỗi buổi học, cơ quan tổ chức công bố công khai từng cán bộ, đảng viên vắng mặt và nêu rõ lý do hoặc không có lý do. Ý thức tham gia học nghị quyết của cán bộ, đảng viên được đánh giá và gửi về cấp ủy phục vụ xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm. “Năm nay, danh sách có hơn 20 đồng chí chưa thực hiện nghiêm việc học nghị quyết. Nếu có tên trong danh sách thì dù có được bình bầu là xuất sắc, cán bộ, đảng viên cũng không dám nhận” - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết.

Từ kinh nghiệm của Đảng bộ TP Hà Nội cho thấy, để trị “bệnh” lười học nghị quyết của cán bộ, đảng viên thì việc cấp ủy chú trọng kiểm tra, giám sát, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức các lớp học là giải pháp hàng đầu. Bên cạnh đó không thể thiếu các giải pháp đồng bộ, như: Đổi mới nội dung, phương pháp truyền đạt nghị quyết, nhất là khắc phục tình trạng thông tin, quán triệt “chay”, nói một chiều, chất lượng báo cáo viên hạn chế…

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, “bệnh” lười học nghị quyết "phát" ra từ bên trong bản thân cán bộ, đảng viên. Do đó, “phương thuốc” điều trị hiệu quả nhất là mỗi cán bộ, đảng viên tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm trước Đảng, trước dân; xác định rõ động cơ học tập nghị quyết là để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục “bệnh” lười học nghị quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.