Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng phí, chất lượng dịch vụ có tăng?

Hà Linh| 17/05/2017 07:11

(HNM) - Gần đây, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng phí đối với dịch vụ ngân hàng điện tử, đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước tăng phí đối với dịch vụ trên máy rút tiền tự động (ATM). Câu hỏi đặt ra là liệu phí tăng, chất lượng dịch vụ ngân hàng có tăng theo, hay người dùng vẫn phải đối mặt với nỗi lo rủi ro?

Việc các ngân hàng đồng loạt tăng phí dịch vụ ngân hàng điện tử có đồng thời với chất lượng và tính an toàn của dịch vụ này tăng theo?


Tăng phí dịch vụ ngân hàng điện tử

Trong những ngày đầu tháng 5, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã điều chỉnh biểu phí với dịch vụ ngân hàng điện tử. Chẳng hạn, BIDV áp dụng phí chuyển tiền mức dưới 10 triệu đồng tăng từ 6.600 đồng lên 7.000 đồng/lần; phí chuyển tiền mức đến 500 triệu đồng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/lần... TPBank tăng phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng. Tại Eximbank, phí thông báo số dư qua tin nhắn tăng lên 50.000 đồng/quý. Còn Sacombank tăng phí internet banking từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng/quý.

Lý do cho việc tăng các biểu phí này là vì ngân hàng phải chi trả chi phí lớn hơn nhiều so với mức thu của khách hàng. Ví dụ, với dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS banking, ngân hàng phải trả nhà mạng 800 đồng/tin nhắn, trong khi mức phí ngân hàng thu của khách hàng chỉ 8.800 đồng/tháng trước đây. Thậm chí tăng lên 11.000 đồng/tháng hiện nay vẫn là mức thấp, vì có nhiều khách hàng sử dụng hàng chục giao dịch mỗi tháng.

Cùng với việc điều chỉnh phí dịch vụ ngân hàng điện tử, một số ngân hàng thương mại đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phương án điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM, với lý do hỗ trợ ngân hàng bù đắp một phần chi phí đầu tư hệ thống. Theo lý giải của các ngân hàng, mức phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy mức đầu tư), trong khi các ngân hàng đều thu phí 500-3.000 đồng/giao dịch, nên đang phải bù lỗ.

Tại Thông tư 35/2012/TT-NHNN của NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, các ngân hàng được thu tối đa phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Được biết, đối với các giao dịch rút tiền mặt của thẻ ghi nợ nội địa từ máy ATM ngoài hệ thống, có hơn 20 ngân hàng đang thu phí với mức phí phổ biến là 3.000 đồng/giao dịch. Vẫn có những ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn phí rút tiền, hoặc thu với mức thấp hơn 3.000 đồng/giao dịch, thậm chí có ngân hàng chỉ thu 500 đồng/giao dịch nhưng chủ yếu là các ngân hàng nhỏ, với mạng lưới máy ATM còn ít.

Mặc dù chưa được NHNN thông qua, nhưng thông tin về việc các ngân hàng đang kiến nghị tăng phí với giao dịch ATM cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ngân hàng cho rằng việc xin điều chỉnh tăng phí dịch vụ là để bù đắp chi phí, tái đầu tư, bảo dưỡng, duy tu hệ thống ATM, cũng như các chi phí vận hành, chi phí vốn cho lượng thanh khoản duy trì tại các máy ATM. Ngoài ra, tăng phí còn nhằm hạn chế khách hàng rút tiền mặt, từ đó đẩy mạnh chi tiêu qua thẻ, góp phần thúc đẩy việc không dùng tiền mặt, giảm lưu lượng tiền mặt trong nền kinh tế.

Khách hàng lo rủi ro

Câu chuyện về rủi ro từ những chiếc thẻ ngân hàng lại “nóng” lên khi có thêm các vụ “đột nhập” tài khoản, đánh cắp tiền của chủ thẻ. Người và thẻ ở một nơi, nhưng giao dịch chi tiêu lại ở một địa điểm khác, thậm chí là ở một quốc gia khác đã khiến không ít người lo ngại về mức độ bảo mật của ngân hàng. Theo ông Nguyễn Văn Quân (Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai), thẻ ATM hay thẻ tín dụng đều mang đến những lợi ích không nhỏ, nhưng sau những vụ "tiền không cánh mà bay", người tiêu dùng vẫn e ngại khi sử dụng những chiếc thẻ này. Vì vậy, trước việc các ngân hàng đồng loạt tăng phí với dịch vụ ngân hàng điện tử, cùng với đề xuất cơ quan chức năng điều chỉnh phí với dịch vụ ATM, một câu hỏi được đặt ra là liệu chất lượng và tính an toàn của dịch vụ này có tăng theo?

Có chung ý kiến với các ngân hàng thương mại, nhiều chủ thẻ bày tỏ sự ủng hộ chính sách tăng phí của các ngân hàng, vì khách hàng cần chia sẻ những chi phí mà ngân hàng bỏ ra... Song, không ít chủ thẻ lại phản đối vì lo ngại phí dịch vụ tăng nhưng chất lượng không tương xứng. Bà Bùi Thị Bình (phố Lê Duẩn, quận Đống Đa) cho rằng, tình trạng ngân hàng vẫn để máy ATM thiếu tiền, hay chỉ nạp tiền với mệnh giá nhỏ, khiến khách hàng phải rút nhiều lần nên phải trả nhiều lần phí giao dịch còn khá phổ biến. Đó là chưa kể có trường hợp không rút được tiền nhưng ngân hàng vẫn gửi thông báo đã giao dịch, khiến chủ thẻ phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng làm thủ tục tra soát để lấy lại tiền, mất nhiều thời gian...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng phí, chất lượng dịch vụ có tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.