Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa sát thực tiễn

Bảo Nga - Thùy Ngân| 25/01/2018 06:36

(HNM) - Bộ Tài chính vừa trình Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân với hai phương án tính thuế. Điểm chung của hai phương án là số bậc tính thuế sẽ giảm từ 7 bậc như hiện tại xuống còn 5 bậc.


Chị Nguyễn Đỗ Hà Minh (phường Thanh Nhàn,quận Hai Bà Trưng):Cần lộ trình phù hợp

Khi Bộ Tài chính trình Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ này cũng đang đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng vào năm 2019. Thế giới đang có xu hướng giảm thuế trực thu (thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp) sang thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt). Cách tính thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính đang dự thảo trên phương án người thu nhập cao đóng thuế cao và ngược lại. Trong khi đó, với hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt, mọi người đều phải đóng thuế; người tiêu thụ nhiều sẽ đóng thuế nhiều, người tiêu thụ ít sẽ đóng thuế ít... Do đó, Bộ Tài chính cần tính toán lộ trình việc tăng, giảm giữa các loại thuế để giữ vững an sinh xã hội, kích thích tiêu dùng và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Phúc (Công ty cổ phần Thiết kế đầu tư và Thương mại Ketkin): Người thu nhập thấp không có lợi

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân mới nhất với các mức thuế suất tăng hơn so với phương án trước đó, Bộ Tài chính cho rằng, người có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, so sánh cả 3 phương án thu thuế (hiện hành và 2 phương án mới) sẽ thấy Bộ Tài chính “quên” đề cập giảm trừ gia cảnh. Lẽ ra nên xét vấn đề này trên khía cạnh trượt giá của năm 2018 tăng ít nhất 20% so với năm 2013 để tính đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cả hai phương án đều giảm bậc tính thuế từ 7 bậc hiện hành xuống 5 bậc nhưng thực tế người thu nhập thấp không được lợi nhiều do thuế suất ở mức thấp về cơ bản không thay đổi.

Chị Đặng Thu Hằng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa):Nên tập trung các thuế gián thu

Thực tế cho thấy, thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…) có nguy cơ bị các chủ thể trốn thuế nhiều hơn do có nhiều cách ứng xử, chứng từ, xử lý kế toán nên việc quản lý, thanh tra, kiểm tra vất vả và tốn kém chi phí hơn. Trong khi thuế gián thu (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng…) tính đơn giản, khó trốn thuế nên quản lý thuế, thanh tra dễ dàng, đỡ tốn kém chi phí của Nhà nước hơn. Bởi vậy, nên tập trung vào các đối tượng thu nhập cao mà nộp thuế thấp hoặc đang có nguy cơ trốn thuế. Ví dụ như người có thu nhập từ kinh doanh dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, trúng thưởng xổ số…; còn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì mức thuế hiện giờ đã là cao.

Ông Nguyễn Quang Tuấn (Phó Giám đốc doanh nghiệp quốc tế Hoàng Anh): Vẫn bất hợp lý

Luật Thuế thu nhập cá nhân qua nhiều lần sửa đổi nhưng điểm bất hợp lý thì vẫn còn nguyên. Cả hai phương án trong dự thảo lần này đều giữ nguyên mức giảm trừ người phụ thuộc vẻn vẹn chỉ 3,6 triệu đồng/tháng, tức là chưa xem xét đến lạm phát, không khấu trừ các chi phí hợp lý mà người lao động phải trang trải như học phí, y tế, phương tiện đi lại… Trong phương án 2, thực tế gần như chỉ là “dồn cơ học”, đưa mức chịu thuế từ bậc 3 lên mức chịu thuế bậc 4 và bậc 5 đưa lên bậc 6. Nói là lương cao nhưng người lao động trong doanh nghiệp gần như không có tích lũy. Bình quân khoảng 80% lương hằng tháng họ sử dụng trong sinh hoạt gia đình, học hành của con cái, chưa nói đến các khoản chi bất thường... Vì vậy, việc đánh thuế thu nhập cá nhân với người lao động gián tiếp cũng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp do phải tính đến tăng lương vì thuế thu nhập cá nhân tăng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa sát thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.