Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải "bài toán" ô nhiễm ở Tiên Dược

Bạch Thanh| 27/05/2018 08:37

(HNM) - Trong những năm qua, hàng nghìn hộ dân của xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) phải sống chung với ô nhiễm môi trường do hoạt động của hàng chục cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa, giặt bao tải, sản xuất gioăng kính...

Nghề giặt tải là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược.


Khảo sát tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược cho thấy, mặc dù mới chỉ có 2/3 số hộ sản xuất, vậy mà đường làng ngõ xóm chất đầy phế thải, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Một người dân cho biết, thời kỳ cao điểm, xã Tiên Dược có tới 120 cơ sở sản xuất tái chế nhựa, giặt bao tải, cán giấy... hoạt động trong khu dân cư. Quá trình đốt nhựa và sản xuất gioăng kính... đã tạo ra lượng khói khổng lồ, dù đã thoát qua ống khói bay lên cao nhưng mùi khét vẫn nồng nặc tỏa ra cả vùng. Các hộ dân sống cạnh các cơ sở làm nghề giặt bao tải thì khói bụi bay bám khắp nhà, khắp xóm...

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng, người dân xã Tiên Dược đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng với mong muốn khắc phục tình trạng nêu trên. Trong 2 năm, 2016-2017, UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Tiên Dược và các đơn vị liên quan đã quyết liệt ra quân xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất hạt nhựa, làm gioăng kính và giặt bao tải. Qua tuyên truyền vận động kết hợp tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình trạm biến áp vi phạm trật tự xây dựng của các hộ dân làm nghề sản xuất hạt nhựa, đã có nhiều hộ dân tự nguyện chuyển đổi ngành nghề, không hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường...

Anh Nguyễn Văn Hải thôn Dược Hạ cho hay: "Nhiều năm gắn bó với nghề giặt tải, cũng kiếm được "đồng ra, đồng vào" nhưng vất vả và gây ô nhiễm môi trường. Do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người trong gia đình và cộng đồng dân cư nên gia đình tôi đã chuyển sang chăn nuôi chim cút cho thu nhập ổn định và cuộc sống tốt hơn". Tương tự, gần 100 hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở xã cũng đã chuyển sang làm nghề mộc, làm vườn; một bộ phận thanh niên có sức khỏe, có trình độ chuyên môn... đã chuyển đi làm công nhân ở các doanh nghiệp lớn trong khu vực.

Đến nay toàn xã Tiên Dược vẫn còn 30 hộ (5 hộ tạo hạt nhựa, làm gioăng kính và 25 hộ giặt tải) hoạt động. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để ô nhiễm vẫn còn không ít khó khăn, bởi nhiều hộ đang làm nghề giặt bao tải, sản xuất đồ nhựa, làm gioăng kính... hoạt động trên phần đất thổ cư của gia đình, rất khó xử lý. Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dược Trịnh Văn Phúc cho biết, xã đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các hộ theo thẩm quyền, với hành vi không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định; yêu cầu các hộ làm nghề phải có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung và xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa có chế tài xử lý dứt điểm như: di dời, cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư có phát sinh chất thải ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.

Ở một góc độ khác, anh Nguyễn Văn Công ở thôn Đồng Lạc (xã Tiên Dược) cho hay, cơ sở anh đang giặt tải khoảng 0,6 đến 0,8 tấn bao tải/ngày, tạo việc làm cho gần chục lao động. Đây là những lao động phổ thông, tuổi cao, không có trình độ nên không thể xin vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn. Hiện gia đình cũng đã đầu tư bể lắng, xử lý một phần nước thải ra môi trường và đầu tư các loại máy móc khác để hoạt động với số vốn lên tới gần 1 tỷ đồng... Những yếu tố này đã khiến việc chuyển sang ngành nghề khác không dễ dàng.

Như vậy, bài toán nâng cao chất lượng sống, đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; bảo đảm kế sinh nhai cho người dân ở Tiên Dược vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Điều này rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng để người dân Tiên Dược sớm ổn định cuộc sống và bảo đảm môi trường sống trong lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải "bài toán" ô nhiễm ở Tiên Dược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.