Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn vướng bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại chợ đầu mối

Hương Thủy| 27/06/2018 15:13

(HNMO) - Đây là một trong những hạn chế của chợ đầu mối tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hiện nay.


Tại hội thảo “Phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27-6, một trong những hạn chế của chợ đầu mối được nhắc đến nhiều là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được kinh doanh tại chợ.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, công tác phát triển và quản lý chợ đầu mối hiện nay còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, diện tích dành cho xây dựng hệ thống kho, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa không tương xứng; một số chợ diện tích quá nhỏ và bị quá tải.

Đa số chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thống (giao ngay), mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu hàng được gom từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại. Việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn hạn chế. Đáng chú ý, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm cũng như bảo đảm việc truy nguồn gốc, xuất xứ khi cần thiết.


Cũng liên quan đến việc truy nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa bán tại chợ, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tại chợ đầu mối ở Hà Nội, doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ còn hạn chế trong kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các hộ, cơ sở kinh doanh tại chợ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ sản phẩm.

Theo TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, thương nhân hoặc người tiêu dùng khi sử dụng điện thoại thông minh với hệ điều hành Android, cài ứng dụng Te-Food thì sẽ truy xuất được các thông tin về nguồn gốc một số hàng hóa, sản phẩm, khâu sơ chế, chế biến, lưu thông...

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, mỗi thương nhân đều được Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cấp một mã để khi kích hoạt, thông tin cá nhân sẽ được đưa lên mạng và lưu trong chuỗi tham gia truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

“Mỗi ngày, chợ đầu mối Hóc Môn nhập vào và xuất ra 5.500-5.800 con lợn. Trên mỗi con đều được đeo một vòng nhận diện với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc như: Trang trại; thú ý địa phương-nơi có lợn xuất chuồng; thú y đầu vào tại lò giết mổ... Khi thịt lợn đến chợ, được Ban An toàn thực phẩm kiểm tra, giám sát, kích hoạt xong thì mới cho vào chợ”, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn nói.

Hiện cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ cả nước. Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa và Quảng Bình, cùng có 11 chợ; Hà Nội (6 chợ); Đồng Tháp, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Nam Định (cùng có 3 chợ);  Hưng Yên (4 chợ)...

Chợ đầu mối có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung và tiêu thụ hàng hóa, bởi đây là nơi tập trung lượng hàng hóa lớn để tiếp tục phân phối tới các chợ dân sinh và các kênh lưu thông khác.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn vướng bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại chợ đầu mối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.