Theo dõi Báo Hànộimới trên

Của cho không bằng cách cho

Minh Ngọc| 15/07/2018 07:41

(HNM) - Sự phát triển của các hoạt động từ thiện trong những năm gần đây đã có những đóng góp tích cực, đáng mừng cho cộng đồng, nhưng cũng để lại những nỗi lo.

Được tặng bò sinh sản, nhiều hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội có cơ hội thoát nghèo bền vững.


Hệ lụy từ việc tổ chức tự phát

Các hoạt động nhân đạo, từ thiện phát triển sôi nổi, rộng khắp đã và đang mang lại cơ hội, niềm tin, nghị lực sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng cho biết, từ năm 2008 đến nay, cuộc vận động hiến máu tình nguyện thu về hơn 10 triệu đơn vị máu, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân. Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với gần 20 triệu lượt người. Tại Hà Nội, chiến dịch “Hành trình Đỏ”, “Những giọt máu hồng”, “Lễ hội Xuân hồng”,… được đông đảo người dân hưởng ứng. Mô hình “Áo ấm mùa đông”, “Bữa cơm miễn phí”, “Nồi cháo nhân ái”… hình thành, phát triển ở nhiều ngành, địa phương. Dự kiến, đến cuối năm 2018, TP Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Hiệu quả tích cực do các hoạt động nhân đạo, từ thiện mang lại là không thể phủ nhận. Tiếc rằng, đâu đó có một vài tổ chức, cá nhân làm từ thiện chưa đúng cách hoặc cố tình lợi dụng để trục lợi khiến hoạt động nhân văn này bị hiểu sai lệch phần nào.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho hay, nhiều lần đi cứu trợ người dân vùng thiên tai, thảm họa, ông và đồng nghiệp đã chứng kiến không ít cảnh… tréo ngoe. Đó là, một số nhóm thiện nguyện bỏ qua cảnh báo của các cơ quan chức năng về sự nguy hiểm, tự mình đi vào vùng thiên tai trao quà. Do không thể vào sâu, họ phải lấy hàng hóa chia cho những người có thể tiếp cận. Vậy là, hàng cứu trợ không đến được với những người thực sự cần được giúp đỡ. Một số nhóm đi từ thiện có thái độ, hành động như ban ơn khiến người nhận thấy chạnh lòng. Về hàng hóa, nhiều mặt hàng hỗ trợ không phù hợp với người sử dụng... Thiên tai đi qua, thứ họ cần hơn là nguồn sinh kế để tái thiết cuộc sống.

Làm từ thiện không đúng cách có thể phản tác dụng. Những ai quan tâm đến vấn đề này đều biết câu chuyện về em Hào Anh ở huyện Đầm Dơi (Cà Mau) lấy tiền từ thiện ăn chơi, tiêu xài hoang phí, từ chỗ là cậu bé bị bạo hành đáng thương trở thành kẻ ăn cắp rất đáng trách. Là câu chuyện về anh Trần Anh Tuấn cùng hai con gái sống trên vỉa hè (TP Hồ Chí Minh) tiêu hết tiền từ thiện vào những trò may rủi…

Đáng lên án hơn, một số tổ chức, cá nhân cố tình “núp bóng” hoạt động nhân đạo, từ thiện để trục lợi. Năm 2017, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam. Hiện nay, trên mạng xã hội vẫn thường xuyên có thông tin lên án, “bóc mẽ” nhau về việc sử dụng tiền từ thiện thiếu minh bạch hoặc sai mục đích của những nhóm từ thiện tự phát.

Có thể khẳng định, những dẫn chứng nêu trên chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, nhưng đặt ra cho xã hội nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết.

Cho “cần câu”, không cho “con cá”


Mục đích cao nhất của hoạt động từ thiện là giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… có cuộc sống ổn định, tương lai tốt đẹp. Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, đơn vị đi làm từ thiện phải hiểu được đối tượng họ đang giúp đỡ thực sự cần gì, muốn gì.

Theo ông Nguyễn Sỹ Trường, các nhóm thiện nguyện nên phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm nguồn hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng; đồng thời được quản lý, sử dụng công khai, minh bạch. Hình thức giúp đỡ cần phù hợp với từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội Đỗ Đức Hồng cho biết, đa số đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm này không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Thứ cần thiết với họ là bỉm, sữa, thuốc bổ, sự giúp đỡ trong các sinh hoạt thường nhật... Vậy nhưng, nhiều lần, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội nhận được những mặt hàng từ thiện chỉ phù hợp với người khỏe mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm, chị Trương Thị Trang, thành viên nhóm Thiện nguyện Xanh và Quỹ từ thiện Xanh khẳng định, uy tín, thương hiệu của nhóm được xây dựng trên cơ sở hoạt động công khai, minh bạch; tổ chức các chương trình xuất phát từ tâm, hướng tới những đối tượng thực sự cần giúp đỡ và luôn giúp đỡ những thứ họ cần. Dưới góc độ pháp lý, một số luật sư cho rằng, việc tổ chức, thực hiện các chương trình, hoạt động từ thiện cần có sự định hướng của các cơ quan chức năng và khung pháp lý điều chỉnh phù hợp. Các quy định hiện hành vẫn thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động này vì nhiều mục đích khác nhau.

Như trên đã nói, các chương trình, hoạt động mang ý nghĩa thiện nguyện được thực hiện theo hướng trao “cần câu” để họ tìm cách câu được “cá”, chứ không phải cho sẵn “con cá” để mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Rõ là, trong hoạt động từ thiện, rất cần những cách làm tạo ra động lực thúc đẩy, khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Của cho không bằng cách cho

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.