Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản

Ánh Dương| 30/09/2018 07:44

(HNM) - Nhờ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) triển khai mô hình hỗ trợ, tặng bò sinh sản để chăn nuôi, phát triển kinh tế, hàng chục hộ nghèo ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đã từng bước ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện mô hình khuyến nông chăn nuôi, hỗ trợ 90 con bò giống sinh sản (bò lai Sind) cho 90 hộ nghèo ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức. Xã Ba Trại (huyện Ba Vì) có 30 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò 10-12 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 180kg, đã được tiêm phòng các loại vắc xin (lở mồm long móng, tụ huyết trùng...); hỗ trợ 60kg thức ăn hỗn hợp và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản.

Nhiều gia đình ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) ổn định cuộc sống nhờ chăn nuôi bò. Ảnh: Thái Hiền



Ông Đinh Công Cải, Trưởng thôn 8 chia sẻ: Trước khi Trung tâm giao bò, cán bộ thôn đi kiểm tra chuồng nuôi bò của từng hộ. Mỗi chuồng phải có diện tích từ 6 mét vuông trở lên, lợp mái, nền đổ bê tông, xây tường lửng và có bạt che mưa, gió xung quanh. Chương trình chăn nuôi bò sinh sản còn giúp các gia đình gắn kết, giúp đỡ nhau. Những hộ làm nghề xây dựng tự làm chuồng bò và còn giúp các hộ khác đổ bê tông nền, xây tường... Nhiều gia đình tận dụng gỗ từ thân cây xoan, cây keo trồng ở vườn nhà để làm chuồng bò nên kinh phí chỉ hết vỏn vẹn 1,2-1,5 triệu đồng/chuồng. Cả thôn có 18 hộ được nhận bò sinh sản từ chương trình của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và một chương trình khác, nên đều rất phấn khởi...

Còn thôn 9 - nơi có nhiều hộ nghèo nhất xã, trước năm 2017 có tới 42 hộ nghèo. Tham gia mô hình, có 19 hộ đăng ký và được nhận bò. Theo Bí thư Chi bộ thôn 9 Nguyễn Thị Điểm, sau khi được nhận nuôi bò, các hộ đều vui mừng, tích cực chăm sóc bò theo đúng hướng dẫn. Có những hộ còn mạnh dạn vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP Hà Nội để mua thêm trâu, cải tạo vườn, đầu tư máy móc… phát triển kinh tế. Đơn cử trường hợp gia đình anh Đinh Công Mạnh có 3 con nhỏ, vợ ốm yếu quanh năm, được nhận nuôi bò là nguồn động lực lớn, giúp gia đình anh phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Sau khi được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách Chi nhánh TP Hà Nội, anh Mạnh mua thêm trâu về nuôi, nay đã có thêm một nghé đực; bò do Trung tâm hỗ trợ, chỉ 3 tháng nữa sẽ sinh bê con... “Sau hơn 1 năm nỗ lực phấn đấu, tính đến tháng 9-2018, thôn 9 đã có 33 hộ thoát nghèo, trong đó có 19 hộ chăn nuôi bò sinh sản” - bà Điểm phấn khởi nói.

Tương tự, gia đình bà Kiều Thị Trinh ở thôn 3, nay đã có thêm 1 bê con 2 tháng tuổi. Bà Trinh cho biết, nếu chăm sóc tốt bò mẹ, ngoài có sữa nuôi bê con, mỗi ngày, gia đình người nuôi bò còn có thể vắt được tới 2-3 lít sữa bò để sử dụng…

Trong số 30 con bò các hộ nghèo ở xã Ba Trại được nhận, có 3 con đã sinh bê con, 19 con từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 2-2019 sẽ sinh. Theo tính toán của cán bộ xã Ba Trại, bê con 6 tháng tuổi có giá khoảng 11-12 triệu đồng/con, là nguồn nhu nhập khá cho hộ nghèo. Tính đến tháng 9-2018, xã Ba Trại có hơn 100 hộ thoát nghèo, trong đó có 30 hộ thuộc diện được hỗ trợ bò sinh sản từ mô hình của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, giúp hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 2%.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương chia sẻ: Không chỉ ở huyện Ba Vì, mô hình hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò sinh sản còn giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Thạch Thất và Mỹ Đức thoát nghèo. Tiếp nối thành công và ý nghĩa của mô hình, năm 2018 Trung tâm tiếp tục triển khai hỗ trợ 80 con bò cho 80 hộ nghèo ở các xã Phú Cường (huyện Ba Vì), Đức Hòa (huyện Sóc Sơn), Đông Yên (huyện Quốc Oai), Văn Đức (huyện Gia Lâm). Nhờ các hộ chăm sóc tốt, đàn bò mới thả đang thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.