Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp nào?

Kim Vũ| 15/11/2018 06:32

(HNM) - Đi chợ nhờ

Thành phố đang rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống chợ. Ảnh: Khuê Diệp


Nhiều phường "trắng" chợ

Nằm ngay trung tâm Hà Nội nhưng phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) lại được biết đến là phường "3 không": Không chợ dân sinh, không nhà văn hóa, không trường mầm non công lập. Vì vậy, mọi nhu cầu mua bán đều phải đi nhờ "hàng xóm" là các chợ phường Khương Trung, phường Định Công... Chị Ngô Thu An, phố Nguyễn Ngọc Nại, cho biết: Nhiều hôm đi làm về muộn tôi đành phải mua rau ở hàng rong đầu ngõ. Biết là không có nguồn gốc nhưng đành chấp nhận vì đi chợ ở phường khác thì quá xa.

Không có chợ chính, gần 30.000 hộ dân sống tại phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) buộc phải đi chợ ở các phường lân cận. Từ năm 2007, người dân ở ngõ 106 Nguyễn An Ninh đã tạo điều kiện cho các tiểu thương bán hàng ở trước cửa. Lâu dần, theo ông Dương Tích Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Tương Mai, phường đã đề xuất UBND quận Hoàng Mai cho tồn tại chợ tạm này vì không bố trí được diện tích đất để xây dựng chợ.

Quận Hoàng Mai đã chấp thuận đề xuất, yêu cầu các đơn vị chức năng hướng dẫn UBND phường xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện nội quy, phương án quản lý các điểm họp chợ tạm để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, chợ tạm ngõ 106 Nguyễn An Ninh chạy dài dọc con ngõ 106, mặt tiền các hộ gia đình chính là "quầy" hàng của các tiểu thương.

Chuyện thiếu chợ chính cũng sắp xảy ra ở phường Mai Động (quận Hoàng Mai). Lý do, các cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng chợ Mai Động để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Tam Trinh, đường Lĩnh Nam, ngõ 13 Lĩnh Nam.

Giải pháp nào?

Ông Lưu Đình Lượng, Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) cho biết, dù phường đã có rất nhiều đề xuất, kiến nghị đến UBND quận đưa ra giải pháp tạm thời nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào hợp lý; phường cũng đã hết cách và không có giải pháp gì.

Một khó khăn khác, tại phường Trung Tự (quận Đống Đa), hiện tại phường này có một chợ hạng 3 là chợ A12 do UBND quận Đống Đa quản lý, tuy nhiên, do hạ tầng xuống cấp nên không phát huy hiệu quả. UBND phường đã đề nghị xây dựng chợ dân sinh tại lô đất 127 Đặng Văn Ngữ nhưng hiện vẫn chưa kêu gọi được đơn vị nào đầu tư xã hội hóa.

Chợ tạm tại ngõ 106 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai.


Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tổng diện tích đất chợ trên toàn thành phố khoảng 1.700.000m2 (17ha), xấp xỉ 90.000 hộ kinh doanh. Toàn thành phố có 454 chợ, trong đó chợ hạng 1 và 2 chỉ chiếm chưa đầy 20%, chủ yếu là chợ hạng 3; khoảng 102 chợ kiên cố; 224 chợ bán kiên cố; 128 chợ lán tạm. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, toàn thành phố đã xây mới 41 chợ, xây dựng lại 13 chợ, cải tạo, nâng cấp 80 chợ. Trong năm 2016, xây dựng lại 3 chợ; cải tạo, nâng cấp 15 chợ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đã đôn đốc đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã triển khai rà soát, phân loại chợ (loại 1, 2, 3), đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2017-2020. Kết quả, nhu cầu của các quận, huyện, thị xã là đầu tư xây mới 82 chợ, nâng cấp 178 chợ.

Đánh giá chung của Sở Công Thương cho thấy, cơ sở vật chất tại hầu hết các chợ chưa bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị… Vì vậy, theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2030, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn Hà Nội để đáp ứng nhu cầu, phục vụ đời sống của người dân...

Tuy nhiên, việc sử dụng vốn ngân sách để xây mới và đầu tư cải tạo, sửa chữa các chợ đang gặp khó khăn do không phải là đối tượng thuộc các vùng có điều kiện khó khăn theo quy định. Trong khi đó, nhiều phường thiếu quỹ đất công rất khó khăn trong xử lý. Đặc biệt, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ trên địa bàn; nghiên cứu triển khai cơ chế đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức hợp tác công - tư. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng chợ.

Và điều quan trọng, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, giải pháp cho việc thiếu chợ trên địa bàn một số quận là đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các dự án xây dựng chợ theo tiến độ được phê duyệt, đồng thời rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để “nhường” chỗ cho xây dựng chợ.

Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của UBND TP Hà Nội: Sau 5 năm, nếu quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu, hoặc cần điều chỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh để chợ truyền thống phát huy tốt hơn vai trò phục vụ đời sống dân sinh. Hiện nay, thành phố đã, đang đẩy mạnh việc rà soát quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ trên địa bàn; đặc biệt quan tâm công tác quản lý chợ, coi đây là một yêu cầu, mục tiêu quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.