Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm "ác mộng" với trẻ em vùng xung đột

Minh Hiếu| 07/01/2018 07:37

(HNM) - Trong một báo cáo được công bố cuối tháng 12-2017, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định, 2017 là một trong những năm tồi tệ nhất và là cơn ác mộng đối với những trẻ em đang bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột và giao tranh diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.


Báo cáo nhấn mạnh, Châu Phi và Trung Đông với nhiều cuộc xung đột kéo dài là những điểm nóng tồi tệ nhất đối với trẻ em trong năm 2017. Theo UNICEF, tại vùng Đông Bắc Nigeria và Cameroon, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã ép buộc ít nhất 135 đứa trẻ tham gia các vụ đánh bom tự sát trong năm vừa qua, cao gấp 5 lần so với năm 2016. Tại Iraq và Syria, nhiều trẻ bị sử dụng làm lá chắn sống, bị mắc kẹt trong các cuộc vây hãm và phải vật lộn để sống sót qua các đợt giao tranh dữ dội.

Chỉ riêng tại Afghanistan, tính đến tháng 9-2017 đã có gần 700 trẻ thiệt mạng.

Ngoài ra, nhiều đứa trẻ đang mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo liên quan trực tiếp tới điều kiện thiếu thốn trầm trọng tại các vùng xung đột như thiếu nước sạch, lương thực thực phẩm khan hiếm, dịch vụ chăm sóc y tế nghèo nàn. Bạo lực và xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi đã khiến sức khỏe của hàng triệu trẻ bị ảnh hưởng. Tại Yemen, nơi có ít nhất 5.000 em thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 3 năm qua, hiện có hơn 11 triệu trẻ cần được hỗ trợ nhân đạo. Hơn 1,8 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng và khoảng 385.000 trong số đó có nguy cơ cao tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cuộc chiến dai dẳng cũng khiến hệ thống y tế của nước này bị tàn phá và dẫn tới bùng phát đợt dịch tả lớn nhất thế giới.

Báo cáo của UNICEF cũng nêu bật mức độ nguy hại đáng báo động đối với trẻ em trên toàn thế giới và nhấn mạnh các quốc gia đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề này. Không chỉ riêng với những trẻ trực tiếp bị kéo vào các cuộc chiến, trẻ em thậm chí còn trở thành mục tiêu bị đe dọa ngay tại những địa điểm vốn phải là nơi an toàn nhất như nhà ở, trường học, sân chơi. UNICEF cũng cáo buộc, các bên tham gia xung đột đã ngang nhiên lờ đi luật pháp quốc tế được đề ra để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt ngay các hành động vi phạm quyền trẻ em.

Tháng 3-2017, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Điều phối viên Liên hợp quốc về cứu trợ khẩn cấp Stephen O'Brien cho biết, thế giới đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo lớn nhất kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1945. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và các em không thể chờ đợi thêm. Giám đốc Chương trình khẩn cấp của UNICEF Manuel Fontaine nhấn mạnh: “Chúng ta không thể làm ngơ trước thực trạng này, bởi thái độ làm ngơ đó chính là thể hiện sự tàn bạo đối với trẻ em”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm "ác mộng" với trẻ em vùng xung đột

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.