Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Phương Nhi| 23/12/2017 07:48

(HNM) - Phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ, góp phần tích cực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng...

Sản xuất gạch nung cần phải chuyển đổi sang gạch không nung trong thời gian tới. Ảnh: Thái Hiền


Công nghệ gạch không nung là công nghệ mới không sử dụng năng lượng hóa thạch, góp phần từng bước xóa lò gạch thủ công hiện nay, tiết kiệm nguyên liệu đất, không sử dụng đất canh tác, giải quyết ô nhiễm môi trường. Gạch không nung sau khi được tạo hình sẽ tự đóng rắn, đạt các chỉ số về cơ học như cường độ nén, cường độ uốn và độ hút nước... mà không cần phải qua xử lý nhiệt độ. Gạch không nung tận dụng nguyên liệu từ các nguồn phế thải xây dựng, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp.

Theo tính toán, đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu sử dụng khoảng 42 tỷ viên gạch cho xây dựng. Nhưng theo tốc độ phát triển của thị trường gạch nung hiện nay, tổng lượng gạch sản xuất trong 10 năm tới là 330 tỷ viên, sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu mét khối đất sét (tương ứng mất 25 nghìn héc ta ruộng khai thác ở độ sâu 2m), 40 triệu tấn than và thải ra bầu khí quyển khoảng 148 triệu tấn khí độc hại.

Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010, của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung. Báo cáo của Bộ Xây dựng tại hội nghị vật liệu xây dựng toàn quốc diễn ra trung tuần tháng 12-2017 cho biết, tổng công suất thiết kế các chủng loại vật liệu xây không nung đến hết năm 2016 đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, trong đó đã sản xuất 6,5 tỷ viên QTC/năm. Tuy nhiên, chỉ có gạch xi măng cốt liệu có mức tiêu thụ cao, khoảng 5,7 tỷ viên QTC, đạt khoảng 98% lượng sản xuất, còn gạch không nung loại nhẹ (gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt) mới đạt khoảng 0,55 tỷ viên trên tổng công suất khoảng 1,2 tỷ viên QTC. So với mục tiêu đề ra, lượng sản xuất, tiêu thụ hiện nay đã hoàn thành, nhưng để đạt tới mục tiêu đóng góp 30-40% tổng lượng vật liệu xây đến năm 2020 thì vẫn còn nhiều gian nan.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị vật liệu xây dựng toàn quốc vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, cho dù ngành vật liệu xây dựng đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển, tạo ra nhiều chủng loại vật liệu có chất lượng, khối lượng lớn, bảo đảm cơ bản mọi nhu cầu xây dựng trong nước, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra. Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân có thể do cơ quan quản lý nhà nước chưa kiểm soát được, hoặc do đưa ra chỉ tiêu quá cao. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải có những đánh giá toàn diện thực tế này.

Về nguyên nhân chưa phát triển như kỳ vọng, nhiều ý kiến cho rằng đó là do nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm này nói chung và bê tông khí nói riêng. Cùng với đó, các nhà đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ mua các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Một số nơi do hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm chưa đầy đủ nên công tác bảo quản khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Để đẩy mạnh việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây không nung trong thời gian tới cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là chú trọng công tác tuyên truyền để người sử dụng hiểu công dụng của loại vật liệu này. Cùng với đó, siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm, tránh hiện tượng một số sản phẩm lỗi vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ, làm giảm hiệu quả, định hướng của chương trình phát triển vật liệu xây không nung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.