Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng chuỗi nông sản an toàn: Còn nhiều gian nan

Ngọc Quỳnh| 20/11/2017 07:35

(HNM) - Sau gần 4 năm thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn”, các địa phương đã bước đầu hình thành chuỗi nông phẩm an toàn được giám sát chất lượng.

Để xây dựng chuỗi nông sản an toàn thành công, người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Ảnh: Sơn Trà


Tiến độ chậm

Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT): Thực hiện Quyết định 3073/QĐ-BNN-QLCL về phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc” ngày 27-12-2013, tính đến nay, cả nước đã có 62/63 tỉnh/thành phố xây dựng thành công 695 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó 333 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết: Sản xuất theo chuỗi nông sản an toàn ở các địa phương triển khai còn chậm, sản phẩm tiêu thụ nhỏ lẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do, tuy sản xuất theo chuỗi đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, vốn đầu tư lớn, nhưng chỉ khoảng 30% sản phẩm được tiêu thụ theo hợp đồng cung ứng; lượng lớn còn lại phải tiêu thụ qua chợ đầu mối và các kênh bán lẻ với giá cạnh tranh với sản phẩm thông thường khiến người dân "nản"; công tác lấy mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản chưa thực hiện đồng bộ, mới tập trung ở một số sản phẩm tươi sống như: Rau, thịt, thủy sản... dẫn tới kết quả đánh giá chưa toàn diện.

Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 60 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản an toàn. Thông qua xác nhận chuỗi, bước đầu đã hình thành điểm bán nông sản an toàn trên địa bàn thành phố được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, việc sản xuất theo chuỗi nông sản an toàn mới chỉ dừng lại ở từng công đoạn đơn lẻ, chưa có sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ, dẫn tới "đầu ra" bấp bênh.

Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh cho biết: Hiện công ty đang thực hiện chuỗi thịt lợn VAF, ký hợp đồng với 22 trang trại chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi phải tuân thủ những quy định rất khắt khe về quy trình chăm sóc, quản lý thức ăn, tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh... nên một số hộ dân vẫn chưa tuân thủ đúng.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết: Để thực hiện sản xuất rau an toàn theo chuỗi, các hợp tác xã phải đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất như: Nhà lưới, nhà sơ chế, hệ thống tưới nước… Nguồn kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi lợi nhuận còn thấp nên chưa khuyến khích được các hộ dân cùng hợp tác xã tham gia mô hình này.

Cần chính sách hỗ trợ đồng đều

Để xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng: Bộ NN&PTNT cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách hỗ trợ vùng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi nông sản, tạo sự liên kết giữa các địa phương... để có sản phẩm hàng hóa "tinh" hoặc đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh ở thị trường nội địa và quốc tế. Các chính sách cần được tập trung đều ở các khâu: Sản xuất, sơ chế, chế biến, thương mại, tiêu thụ sản phẩm... nhằm bảo đảm khuyến khích tất cả thành viên tham gia phát triển chuỗi, thuận lợi cho công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm an toàn...

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Các tỉnh, thành phố cần mở rộng phạm vi cung ứng nông sản an toàn theo chuỗi đến các xã, thị trấn, khu du lịch, vùng kinh tế trọng điểm của địa phương, bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng… để tận dụng tối đa nguồn tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, cần cung cấp thông tin công khai về cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; sử dụng ứng dụng quét mã Qrcode sản phẩm của đơn vị tham gia chuỗi... đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Song hành, các bộ, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm... nhằm bảo vệ uy tín cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất an toàn và quyền lợi người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chuỗi nông sản an toàn: Còn nhiều gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.