Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng kinh doanh trái cây ở chợ dân sinh

Ngọc Quỳnh| 23/04/2018 07:05

(HNM) - Hiện nay, lượng lớn trái cây được bày bán tại chợ dân sinh nhưng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; quy mô kinh doanh cửa hàng nhỏ lẻ, thiết bị, dụng cụ bày bán thô sơ.

Các ngành chức năng cần kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các sạp hàng bán trái cây ở chợ dân sinh.


Hầu hết chưa bảo đảm chất lượng


Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 454 chợ, trong đó tại 160 chợ dân sinh của các quận có hoạt động kinh doanh trái cây đều là bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Hầu hết cửa hàng này được bố trí ở phía ngoài cổng chợ hoặc mặt ngoài chợ tiếp giáp với đường đi, nhằm tạo thuận lợi cho việc mua trái cây của người tiêu dùng.

Trong khi đó, đa số các chợ hoạt động lâu năm, kết cấu hạ tầng xuống cấp, một bộ phận chợ chưa được phê duyệt nội quy, phương án sắp xếp ngành hàng hoặc các hộ kinh doanh lấn chiếm diện tích chung để bán hàng, dẫn đến không bảo đảm môi trường, phòng chống cháy nổ và an toàn thực phẩm.

Quy mô của các cửa hàng kinh doanh trái cây đều nhỏ lẻ, thiết bị, dụng cụ bán thô sơ. Các cửa hàng kinh doanh trái cây trong chợ dân sinh ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với người bán hàng rong, bán dạo trái cây tụ tập trái phép xung quanh khu vực chợ.

Bên cạnh nguồn cung cấp từ các chợ đầu mối, trái cây tiêu thụ tại các chợ dân sinh còn do chủ hàng kinh doanh quầy hàng thu mua của người trực tiếp trồng trọt, thu hoạch, nên gây khó khăn cho công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc trái cây tiêu thụ tại chợ. Người bán trái cây chưa có đầy đủ kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh cũng như bảo quản trái cây theo đúng quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Trần Mạnh Giang cho biết, kiểm tra ở các điểm bán hàng trái cây ở chợ dân sinh, chợ đầu mối cho thấy, chủ hàng bày bán trái cây trên những thùng xốp, giấy, gỗ sơ sài. Điều này làm giảm giá trị mặt hàng trái cây, tăng nguy cơ lây nhiễm, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trái cây bán ở chợ đều lấy từ nguồn gốc khác nhau ở các tỉnh, thành phố, hoặc nhập khẩu nhưng đều không có tem nhận diện mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, do thói quen của người tiêu dùng chưa quan tâm tới nguồn gốc các mặt hàng trái cây bán trên thị trường, tạo kẽ hở cho một số tiểu thương trà trộn hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.

Bà Bùi Bích Thủy ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ: Hằng ngày, tôi vẫn mua trái cây ở cửa hàng, nhưng chỉ mới quan tâm xem loại trái cây đó có tươi hay không, còn nguồn gốc ở đâu thì hầu như không để ý. Vì thực tế, tất cả các cửa hàng bán trái cây ở chợ đều không có tem nhãn.

Tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân

Để từng bước quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận đi vào nền nếp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và chủ động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở chuyên kinh doanh trái cây vi phạm về chất lượng. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở các chợ dân sinh thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh trái cây có nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, đối với trái cây kinh doanh tại cửa hàng phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; các loại trái cây đã sơ chế, đóng gói phải bảo đảm rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; khuyến khích chủ cửa hàng dán nhãn Qrcode, tem trên bao bì mặt hàng trái cây phục vụ việc truy xuất nguồn gốc trái cây bằng thiết bị di động...

Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh trái cây ở chợ phải được bố trí tại địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hóa đơn, chứng từ mua - bán trái cây của cửa hàng phải được lưu trữ tối thiểu 6 tháng hoặc theo quy định hiện hành của Nhà nước để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Trái cây được kinh doanh bày bán phải nguyên vẹn, không dập nát hoặc bị hư hỏng, bề mặt không được thâm, không thối, không ủng, không mốc, bảo đảm mùi vị đặc trưng, không có mùi lạ. Các mặt hàng trái cây phải bảo đảm những chỉ tiêu về tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố, vi sinh vật tương ứng với từng loại theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng nên đến những cửa hàng trái cây an toàn, sản phẩm có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ ghi trên bao bì, không nên ham rẻ, mua những mặt hàng đã bị hỏng, trôi nổi trên thị trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng kinh doanh trái cây ở chợ dân sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.