Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện thể chế để tăng “sức khỏe” nền kinh tế

Hà Phong| 04/05/2018 07:30

(HNM) - Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra tại Hà Nội chiều 3-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, để tăng “sức khỏe” nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, việc hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết.

Tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành chức năng sâu sát cơ sở, cập nhật thông tin thường xuyên để có phản ứng chính sách phù hợp thực tiễn.


Hà Nội đã có nhiều giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển du lịch và kinh tế cả nước. Ảnh: Bá Hoạt


Tăng tốc, phát triển

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2018 với nội dung chính là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018; rà soát, hoàn thiện các dự án luật và các văn bản dự kiến trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ năm sẽ khai mạc vào tháng 5 này. Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành hàng loạt nhiệm vụ, để những tháng cuối năm “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “cấp trung gian, cấp tham mưu phải quyết liệt hơn, đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.

Thủ tướng chỉ rõ, hơn 1/3 chặng đường của năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Chính phủ tổ chức 4 hội nghị chuyên đề toàn quốc, bàn các giải pháp giải quyết các khó khăn. Nhờ đó, nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh trong thời gian qua, không khí đầu tư, sản xuất kinh doanh khá đồng đều. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,08% so với tháng 3, bình quân 4 tháng chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ. Cùng với đó, xuất khẩu 4 tháng tăng tốc đạt gần 74 tỷ USD. Điểm số PCI đạt mức cao nhất từ năm 2005, phản ánh môi trường đầu tư có những bước tiến quan trọng.

Song, kinh tế vĩ mô tuy ổn định nhưng chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đáng lưu ý hơn, thu hút đầu tư chậm, nhất là FDI. Bên cạnh đó, Thủ tướng phân tích môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những việc cần điều chỉnh. Có địa phương để xảy ra tình trạng nhà đầu tư phản ánh phải đi lại đến 33 lần làm thủ tục điều chỉnh một quy hoạch. Vì thế, các thành viên Chính phủ, địa phương cần đồng tâm hiệp lực, triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh được dư luận quan tâm.

“Một số giải pháp cần làm ngay trong năm 2018, như: Kiểm soát lạm phát, quyết tâm không nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, loại bỏ ngay những thể chế chưa phù hợp. Đặc biệt, với các vấn đề mới chưa có văn bản điều chỉnh, ấn định thời gian thí điểm ngay để vừa không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, vừa có cơ sở đánh giá thực hiện toàn diện. Theo xu hướng này, Chính phủ sẽ tiếp tục coi xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu. Về lĩnh vực giáo dục, ưu tiên cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trường học. Đối với ngành Hải quan, phải ứng dụng công nghệ để giảm tiếp xúc giữa công chức với doanh nghiệp; quản lý cán bộ chặt chẽ hơn nữa” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Xử lý nhiều vấn đề xã hội quan tâm


Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 74 tỷ USD.


Cũng tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi với báo chí về các vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm, như quản lý trạm BOT, chính sách miễn thị thực, hệ lụy của việc TP Hồ Chí Minh thất lạc bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giải quyết việc khách hàng Agribank mất tiền, hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời”…

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, ngay sau khi các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh về hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời”, các địa phương đã vào cuộc, xác minh làm rõ. Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản hướng dẫn xử lý vấn đề này. “Các hành vi của nhóm "Hội thánh Đức Chúa Trời" chiếu theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là không đúng pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục. Bộ Công an, công an các địa phương như Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa,... đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của công dân nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội” - ông Nguyễn Duy Thăng khẳng định.

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đề xuất này nằm trong Đề án tổng thể về cải cách bảo hiểm xã hội và không có chuyện tới năm 2025 mất cân đối thu chi quỹ hưu trí. Việc đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được cơ quan này cân nhắc trên nhiều yếu tố, như hiệu quả sử dụng nhân lực, năng suất lao động, bình đẳng giới, việc làm..., chứ không riêng về cân đối quỹ.

Về việc dư luận phản ánh: 400 khách hàng mở tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank bị mất tiền trong thẻ ATM tối 25-4 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi nhận được tin, Agribank đã chủ động rà soát. Báo cáo mới nhất của Agribank cho thấy, có 12 khách hàng mất tiền. "Tới hôm nay, ngân hàng đã trả tiền cho 8 khách hàng, 4 khách hàng còn lại ngân hàng đang tiếp tục tra soát để sớm trả tiền cho chủ thẻ" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói, đồng thời cho biết thêm, các nước trên thế giới cũng có rủi ro khi thanh toán thẻ. Tỷ lệ rủi ro trong thanh toán thẻ của Việt Nam bằng 1/3 tỷ lệ trung bình các nước trong khu vực, thế giới.

Cân nhắc kỹ việc chỉ bán xăng sinh học

Trả lời câu hỏi của báo chí về đề xuất chỉ bán xăng sinh học trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây mới chỉ là ý kiến của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Sài Gòn tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Vấn đề này phải được xem xét kỹ bởi hiện nay chỉ duy nhất một công ty cung cấp cồn E100 - nguyên liệu pha trộn xăng sinh học E5 RON 92.

"Nguồn nguyên liệu có đủ hay không và giá cạnh tranh hay không là vấn đề cần đặt ra. Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này để trước hết là có lợi cho người nông dân trồng sắn. Tuy nhiên vẫn phải bảo đảm sự cạnh tranh, tính thị trường” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế để tăng “sức khỏe” nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.