Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại

Thanh Hiền| 24/07/2018 07:02

LTS: Hệ thống trung tâm thương mại ở Hà Nội phát triển khá nhanh, tuy nhiên do phân bố không đồng đều, mô hình chưa sát thực tế nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, việc phát triển hệ thống thương mại Thủ đô văn minh, hiện đại là đòi hỏi cấp thiết, đang được thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và các tiểu thương.

Trung tâm thương mại Hàng Da là một trong những mô hình chuyển đổi không thành công như mong đợi. Ảnh: Bá Hoạt


Bài đầu: Xoay xở lấp mặt bằng

Những năm qua, các trung tâm thương mại ở Hà Nội được phát triển với nhiều mô hình như cải tạo chợ truyền thống, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư... Tuy nhiên, chỉ có số ít trung tâm thương mại thu hút được khách, còn đa phần rơi vào cảnh đìu hiu, nhiều khách thuê trả lại mặt bằng, chủ đầu tư phải tự xoay xở kinh doanh để lấp mặt bằng kinh doanh.

Ế ẩm, đìu hiu

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza vốn nổi tiếng là một trong những trung tâm thương mại có vị trí đắc địa, nhưng sau nhiều năm kinh doanh không hiệu quả đã phải cho Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương thuê lại. Sau khi công ty này "đổ" khoảng 400 tỷ đồng vào sửa sang và khai trương trở lại đầu năm 2013, đến nay tình hình kinh doanh tại đây cũng không mấy khả quan. Theo phản ánh của các đơn vị thuê gian hàng, khách vào chỉ để xem nhiều hơn là mua, bởi nơi đây hội tụ quá nhiều thương hiệu cao cấp giá "ngất ngưởng", chỉ phù hợp một số ít đối tượng khách hàng...

Tương tự, là trung tâm thương mại cao cấp ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội - Grand Plaza - trong 4 năm hoạt động, không những không phát huy được lợi thế, trái lại nhiều lần phải ngừng hoạt động để tái cấu trúc vì quá vắng khách. Thậm chí, từ giữa năm 2013, trung tâm thương mại này đã đóng cửa để tìm khách hàng cho thuê toàn bộ diện tích, hoặc từng tầng. Sự "thụt lùi" của Parkson ở Hà Nội cũng không nằm ngoài nguyên nhân tương tự.

Hay như 7 khu chợ lâu đời được Hà Nội chuyển đổi sang mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại, nhưng sau chuyển đổi, đa phần đều vắng khách. Tiểu thương thất thu, doanh nghiệp đầu tư cũng phải nghĩ đủ mọi cách để tăng doanh thu. Là chợ truyền thống đầu tiên chuyển đổi mô hình chợ dân sinh thành trung tâm thương mại, chợ Hàng Da là một trong những mô hình chuyển đổi không thành công như mong đợi. Được khởi công từ tháng 3-2009, Trung tâm thương mại Hàng Da được đầu tư quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với tổng chi phí hơn 223 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay khu vực chợ truyền thống rất vắng vẻ. Theo các tiểu thương, chẳng ai bỏ tiền gửi xe, rồi đi mấy chục bậc cầu thang chỉ để mua vài lạng thịt, cá, mấy bó rau... Đáng nói có những gian hàng ở đây có ngày không có khách. Vì thế, nhiều tiểu thương chủ yếu bán cho khách buôn, nhà hàng quen...

Đâu là nguyên nhân?

Chợ Việt Hưng (quận Long Biên) sau khi xây dựng lại luôn vắng khách. Ảnh: Thái Hiền


Thực tế cho thấy, nếu so với các nước phát triển trên thế giới cũng như khu vực, thì mạng lưới trung tâm thương mại ở Hà Nội cũng như trên cả nước vẫn chưa nhiều. Theo các chuyên gia về bán lẻ, nguyên nhân là do Việt Nam chưa biết cách thu hút du khách mua sắm như Singapore hay Thái Lan.

Phân tích của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, đầu tư dự án bất động sản trước hết phải dựa trên quy hoạch. Quy hoạch đó phải tính toán xem đô thị hoặc khu đô thị đó có sức chứa bao nhiêu dân, cơ cấu cư dân ra sao..., từ đó mới xây dựng các chỉ tiêu về hạ tầng, giao thông, bãi đỗ, cây xanh, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... Nếu tính toán sai về quy hoạch và đặt một trung tâm thương mại vào vị trí không hợp lý sẽ không hiệu quả. Đơn cử như có những trung tâm thương mại ra đời, nhưng không phục vụ được cho các đối tượng cư dân ở đó, hoặc bị đặt trùng vào khu vực mà hạ tầng thương mại ở đó đã đáp ứng tốt nhu cầu, nên rất khó cạnh tranh. Chẳng hạn, Grand Plaza đặt gần với Big C Thăng Long, trong khi Big C đa dạng và thích hợp với khách hàng hơn.

Với vị thế đặc biệt, Hà Nội không chỉ đóng vai trò là đầu mối sản xuất, kinh doanh, mà còn dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả khu vực phía Bắc. Cùng với đó là sự phát triển mạnh của loại hình bán lẻ hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi ngày càng cao của người dân Thủ đô. Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay toàn thành phố có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 700 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, các loại hình trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô như chuỗi siêu thị Hapro, Fivimart, Vinmart, Big C, Co.opmart… chủ yếu là trung tâm mua sắm phục vụ bán lẻ, chứ chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, các trung tâm bán buôn và trung tâm logisctic lớn…

Một số trung tâm mua sắm hiện đại mới như Aeon Mall, Royal, Time City, hay Lotte… tuy có quy mô lớn hơn, song vẫn chưa thể đạt tiêu chuẩn của thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam), nên chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Điều đáng chú ý là hoạt động kinh doanh thời gian qua của nhiều trung tâm thương mại ở Việt Nam không hiệu quả, đã khiến không ít trung tâm phải “tạm” đóng cửa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, quá trình xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại, văn minh của doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng thương mại phát triển chậm, quỹ đất hạn hẹp, đã dẫn đến khó khăn khi bố trí mặt bằng cho các khu thương mại, dịch vụ... Bên cạnh đó, dù số lượng siêu thị lớn, nhưng việc phân bố không đồng đều, tập trung tại các quận. Tại các huyện, số lượng siêu thị ít, hiệu quả kinh doanh không cao do thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân còn hạn chế, nên các nhà đầu tư không mặn mà.

Mặc dù chưa thực sự thành công, song theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về tương lai của các trung tâm mua sắm. Đó là sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa, nhu cầu không gian bán lẻ chất lượng cao, sức hút của trung tâm thương mại với các tiện ích và trải nghiệm mới…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.