Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn biến phức tạp

Tiến Thành| 13/01/2018 07:43

(HNM) - Càng giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình hình buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép trên địa bàn TP Hà Nội càng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, quy định chỉ buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ mới xử lý hình sự, còn pháo hoa thì xử phạt hành chính đang gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý.


Nhiều thủ đoạn tinh vi

Khoảng 19h20 ngày 7-12-2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 29D - 305.65 chở 6 bao tải chứa 180 hộp pháo, trọng lượng 235kg tại huyện Gia Lâm. Lái xe Nguyễn Văn Hùng (27 tuổi, trú ở tỉnh Thanh Hóa) khai nhận giao số hàng trên cho một người có tên là Nguyễn Thị Nga (45 tuổi, trú ở huyện Gia Lâm). Ngay lập tức, cơ quan công an đã tạm giữ, khám xét nơi ở của đối tượng này và tiếp tục thu giữ thêm 239kg pháo các loại. Nga khai nhận đã mua gom pháo ở hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn mang về bán vào dịp Tết Mậu Tuất.

Công an Hà Nội bắt giữ, xử lý một vụ mua bán, vận chuyển pháo nổ.


Ngoài vụ này, các lực lượng chức năng thành phố còn liên tiếp phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán pháo trái phép. Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, do lợi nhuận lớn nên việc mua, bán trái phép pháo vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, cả trên mạng xã hội. Gõ từ khóa “bán pháo” trên Facebook, hiện ra hàng chục trang mua, bán pháo, địa điểm chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Phương thức mua, bán hết sức tinh vi: Người bán gửi xe khách liên tỉnh, bao bọc cẩn thận, ghi là quần áo hoặc mỹ phẩm để qua mặt nhà xe. Người mua chỉ việc chuyển tiền, nhận pháo tại bến xe hoặc tại nhà thông qua đối tượng vận chuyển.

Theo Thiếu tá Đặng Hồng Dương, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh án kinh tế trong lĩnh vực thương mại (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ), có đến 80% số pháo bắt được trong các vụ vận chuyển sau khi giám định là pháo hoa, chỉ 20% là pháo nổ. Nguyên nhân là trước đây, các loại pháo (pháo nổ, pháo hoa…) thuộc danh mục hàng cấm, người nào tàng trữ, buôn bán, sản xuất sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, từ khi Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực (ngày 1-1-2017), việc buôn bán pháo hoa và các loại pháo khác thuộc danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, không thuộc danh mục hàng cấm. Do đó, người buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ vẫn bị xử lý hình sự, nhưng vận chuyển, buôn bán pháo hoa lại không bị xem xét xử lý hình sự. Trong khi đó, nhiều loại pháo hoa có mức độ nguy hiểm giống pháo nổ, nhưng lực lượng chức năng chỉ có thể tịch thu hàng hóa và xử phạt hành chính.

Xử lý triệt để

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tránh tình trạng bùng phát buôn bán, vận chuyển lậu pháo hoa, tháng 12-2017, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Công văn 340/TANDTC-PC gửi Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp hướng dẫn việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo hoa nổ trong nội địa. Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để xác định vật chứng thu giữ là pháo hoa hay pháo nổ. Trường hợp giám định kết luận vật chứng là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý hình sự, không phụ thuộc vào việc loại pháo này có đặc tính khác như, tạo hiệu ứng ánh sáng, màu sắc. Trường hợp kết luận giám định vật chứng thu giữ là pháo hoa, không có các đặc tính của pháo nổ (tức không chứa thuốc pháo và không gây tiếng nổ) thì không xác định là hàng cấm.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Công an TP Hà Nội, tất cả tuyến đường, cửa ngõ ra, vào thành phố đều được lực lượng của đơn vị ứng trực, kiểm soát chặt chẽ, không để hàng lậu, nhất là pháo nổ vận chuyển trái phép vào nội đô. Đơn cử, ngày 3-1-2018, Đội Cảnh sát giao thông số 5 đã phát hiện, thu giữ hàng chục kilôgam pháo nổ và pháo hoa do Linh Ngọc Tuấn (sinh năm 1984, quê ở tỉnh Lạng Sơn) chở vào nội thành Hà Nội tiêu thụ.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai đợt cao điểm bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo các loại. Ngoài ra, Công an thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả, đưa ra truy tố, xét xử lưu động các đối tượng có hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, thuốc pháo trái phép để giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự cho nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn.

Theo Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC về hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo: Người nào có hành vi mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Tùy theo số lượng vật phạm pháp có thể bị phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng và phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.