Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nặng lòng với rối nước quê hương

Hồ Phương Phúc| 23/08/2017 06:25

(HNM) - Tôi biết nghệ nhân Đinh Thế Văn, một người nặng lòng với rối nước đã lâu. Cả làng Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh) ca ngợi ông như “người hùng” của nghệ thuật rối nước cổ truyền. Hơn mấy chục năm nay, ông đã hy sinh thời gian để chăm chút cho những khúc gỗ vô tri, vô giác thành tác phẩm để đời...

Đam mê của người lính già

Bóng chiều đổ xuống miền quê ngoại thành - làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh rất đỗi yên bình. Ông Đinh Thế Văn ăn mặc giản dị, dáng đi nhanh thoăn thoắt. Không ai ngờ ông đã ngoài tuổi 80. Ông kể, năm 16 tuổi, ông đã theo các anh của mình tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến năm 1965, ông Văn mới học hết chương trình giáo dục phổ thông, sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa.

Nghệ nhân Đinh Thế Văn, người thổi hồn vào những con rối của làng rối nước Đào Thục.
Ảnh: Ngọc Thạch


Đang học đại học, ông lại xếp bút nghiên để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông được biên chế chính thức vào Tiểu đoàn 77 thuộc Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1971, ông Văn đã được cấp trên giao giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, rồi tham gia chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Sau khi chiến dịch kết thúc, ông Đinh Thế Văn được đề bạt làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 257, được cử đi học tại Học viện Phòng không - Không quân. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến, năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống rối nước, cha nguyên là một "trùm" rối nước nổi tiếng, sau khi nghỉ hưu, ông Văn đã dành tất cả thời gian cho nghề diễn rối nước. Ông bảo, đó không chỉ là niềm đam mê mà trên hết cả là phải giữ bằng được nghiệp tổ: “Nếu tôi nhớ không nhầm thì nghề rối nước xuất hiện ở làng Đào Thục cách đây cũng hơn 300 năm. Nhiều năm đã trôi qua nhưng nghệ thuật múa rối nước ở đây vẫn không ngừng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trừ thời kỳ chiến tranh bị gián đoạn, còn chưa bao giờ rối nước vắng bóng trên quê hương Đào Thục. Thời kỳ này, các buổi biểu diễn cứ thưa dần, các quân trò rối hầu hết bị thất lạc, tứ tán nhưng về cơ bản vẫn giữ được các quân trò rối như ban đầu. Ấy là nhờ tấm lòng, nhiệt huyết, đam mê, trách nhiệm của các cụ trong làng đối với văn hóa quê hương. Tôi không tham vọng nhiều, chỉ một ước mong nho nhỏ, ấy là làm sao giữ cho được nét văn hóa đẹp của riêng làng bởi nó là một phần hồn cốt của dân tộc”.

Canh cánh nỗi niềm

Với ông Đinh Thế Văn, nghệ thuật rối nước không chỉ là của riêng Việt Nam mà đã trở thành di sản được biết đến rộng rãi trên thế giới. Vì thế ngay khi nghỉ hưu, ông tìm cách phục dựng lại phường rối, đưa nghệ thuật rối nước đi khắp nơi. Ông lặng lẽ tìm đến Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc do GS Hoàng Chương làm Giám đốc nhờ giúp đỡ, phục hồi và tìm hướng phát triển. Từ bấy giờ, những giá trị độc đáo của nghệ thuật múa rối truyền thống trên quê hương Đào Thục được phục hồi: Một tòa thủy đình lộng lẫy vào bậc nhất cả nước được dàn dựng, rồi hơn 100 tích trò rối hấp dẫn, một đội ngũ lớn thợ, nghệ nhân lành nghề được đào tạo...

Trong nhiều năm sống và "lặn lội" với rối nước, ông Văn dần thấm thía một triết lý sâu sắc rằng, trong mỗi khúc gỗ vô tri, vô giác, trong mỗi quân trò rối ở quê mình đều chất chứa nhiều lớp văn hóa lịch sử. Mỗi quân rối, mỗi trò rối nổi chìm trên mặt nước kia đều phản ánh muôn ngàn câu chuyện. Nó nói lên tất thảy những cảnh sinh hoạt đời thường “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, cách trồng lúa nước đến những vở kịch hài hước, trào phúng, châm biếm; rồi cả những bài học về lịch sử, về đạo lý, về nhân tình thế thái...

Tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả suốt mấy chục năm làm nghệ thuật rối nước của ông Đinh Thế Văn có lẽ phải kể đến vở “Đánh B52” do ông kết hợp cùng một số nghệ nhân sáng tác năm 1984. Ông Văn bảo, khi bắt tay vào làm, ông không có tài liệu, không tham khảo bất cứ cuốn sách, vở diễn rối có sẵn nào, mà chủ yếu xuất phát từ vốn sống, từ thực tiễn chiến đấu ông đã từng trải qua. Ông nhắm mắt lại, tưởng tượng từng cảnh đánh, lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất để đưa vào hình tượng rối, lột tả tính chất ác liệt của trận đánh, ca ngợi tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân Thủ đô. Vở diễn ấy đã giúp khán giả hình dung một cách sinh động về trận đánh 12 ngày, đêm lịch sử tại sân khấu thủy đình của làng Đào Thục, góp phần giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông.

Làm sống dậy được rối nước là cả một quá trình khó nhưng giữ được nét văn hóa đó lại càng khó hơn. Mỗi khi nói về truyền thống rối nước, trong suy nghĩ của ông Đinh Thế Văn bao giờ cũng canh cánh một nỗi niềm về sự tồn vong của môn nghệ thuật này. Nó không chỉ kén người, cần một lượng kinh phí biểu diễn lớn, mà ngay cả công đoạn múa rối, bảo quản rối cũng là bài toán.

Nhưng nỗi trăn trở lớn nhất trong ông vẫn là tìm kiếm và đào tạo đội ngũ người biểu diễn. Bao lớp người có tâm, có tài, đam mê với nghệ thuật rối nước, nhưng tất cả đều “rút lui” vì “miếng cơm manh áo”. Bởi, một ngày công múa rối cũng chỉ được 100 nghìn đồng nhưng có khi phải ngâm mình dưới nước lạnh hàng tiếng đồng hồ, trong khi làm nghề khác thu nhập lại khá hơn...

Ở tuổi 80, mái tóc đã hoa râm nhưng vị Đại tá vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Ông không chỉ là một nghệ nhân mà giờ đây còn trở thành cố vấn, người thầy truyền nghề cho lớp thanh niên trong làng. Dưới sự đào tạo của ông, phong trào múa rối nước ngày càng có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Múa rối nước Đào Thục đã trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với khách du lịch trong nước mà cả khách quốc tế.

Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông Ðinh Thế Văn vẫn mải miết trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối nước, một di sản quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Những đóng góp bền bỉ, lặng thầm của ông được các cơ quan chức năng ghi nhận, được đông đảo khán giả rối nước cũng như giới nghiên cứu, bảo tồn văn hóa đánh giá cao.

Người làng Đào Thục coi ông như "người hùng" của nghệ thuật rối nước có lẽ cũng vì những lý do ấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nặng lòng với rối nước quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.