Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đội ngũ lao động Việt Nam: Đông nhưng phải mạnh

Thái Sơn| 01/05/2015 07:02

(HNM) - Một thời gian dài, Việt Nam được xem là quốc gia có nguồn nhân công giá rẻ so với nhiều nước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây không còn là lợi thế cạnh tranh, thậm chí có ý kiến cho rằng đó là nỗi lo lớn đối với nền kinh tế.


Lý do đưa ra là, lao động giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp, kéo theo mức trả lương cho người lao động thấp; không đáp ứng được xu thế đổi mới, sử dụng công nghệ sản xuất, quản lý ngày càng cao của DN… Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập vào cuối năm 2015, đây là bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, đồng thời vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với lực lượng lao động của Việt Nam.

Giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: Nguyệt Ánh



Ưu điểm thành… nhược điểm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người; trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Đó là lực lượng lao động lý tưởng đối với một quốc gia. Song, trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2014), Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã đưa ra thông tin đáng chú ý về lực lượng lao động hiện nay. Cụ thể, năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp so với khu vực và thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất Châu Á, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân khu vực ASEAN. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á - Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu), thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hàng năm của Việt Nam đạt từ 3,3% đến 5,2%.

Ưu điểm để thu hút đầu tư vào Việt Nam là nguồn nhân công giá rẻ nhưng do năng suất lao động thấp nên tính tổng chi phí dành cho lao động lại… không rẻ. Bên cạnh đó, các DN tại Việt Nam mới chỉ đặt mục tiêu là sử dụng nhân công giá rẻ mà chưa dựa trên năng suất lao động để đánh giá và tuyển dụng nhân công. Điều này khiến nền kinh tế của chúng ta phát triển không bền vững.

Giải pháp khắc phục

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, trước mắt chúng ta vẫn phải thâm nhập thị trường bằng những sản phẩm chất lượng trung bình, giá rẻ, nhưng nếu lấy đó làm mục tiêu lâu dài sẽ thất bại. Con đường cơ bản là đi lên bằng chất lượng. Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định: "Tập trung khai thác quá mức lợi thế chi phí lao động thấp sẽ là một trở ngại với DN trong việc dần phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao".

ILO cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát về kỹ năng với hơn 200 DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu. Thực tế hiện nay là các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo theo khả năng, chưa chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề còn hạn chế; nội dung chương trình và giáo trình chưa có sự tham gia của DN, chưa phù hợp với sự thay đổi công nghệ sản xuất của DN…

Ở một khía cạnh khác, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, để thị trường lao động Việt Nam thực sự hấp dẫn chúng ta cần tổ chức đào tạo, huấn luyện các kỹ năng công nghiệp để nâng cao chất lượng lao động. Bên cạnh đó là giảm một cách có hệ thống những nhược điểm của lực lượng lao động Việt Nam như thiếu kỷ luật lao động, thiếu tự giác, ít sáng kiến, chưa quen tác phong công nghiệp, có tâm lý "ăn xổi ở thì"… Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng cho biết, 80% công nhân ở các KCN xuất thân từ nông thôn, chưa qua đào tạo về kiến thức pháp luật, trình độ tay nghề yếu và thiếu kỹ năng sống. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng khuyến cáo Việt Nam cần đầu tư lớn hơn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nòng cốt là đội ngũ công nhân

Với hơn 11,5 triệu người, lực lượng công nhân Việt Nam hiện đang chiếm 33% tổng số lao động và 17% dân số cả nước, đóng góp 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Chính vì lẽ đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước thì trước hết phải chăm lo xây dựng và đào tạo đội ngũ công nhân lao động xứng tầm với trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới.

Nghị quyết 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" đã khẳng định: "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược". Tiếp đó, Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra mục tiêu "Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Để hiện thực những mục tiêu đó, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng nhiều đề án nhằm nâng cao nhận thức, trình độ và chăm lo đời sống cho người lao động. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án "Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của Công đoàn giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020 có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước". Cũng từ năm 2012, theo Thông báo số 77-TB/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tháng 5 hàng năm được chính thức công nhận là "Tháng Công nhân" với từng chủ đề cụ thể thiết thực. Chủ đề của "Tháng Công nhân" năm 2015 là "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động". Như vậy có thể thấy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với những giải pháp khá đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó lấy việc xây dựng đội ngũ công nhân lao động vững mạnh làm nòng cốt. Vấn đề là chủ thể - tức từng người lao động cần nỗ lực vận động, tự thân rèn luyện, học tập, phấn đấu vươn lên tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương và làm chủ kỹ thuật, công nghệ cao, hình thành đội ngũ lao động trí thức… phù hợp với trình độ chung của khu vực và thế giới.

Cộng đồng kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng lớn là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng lao động này khi được "giải phóng", được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ lao động Việt Nam: Đông nhưng phải mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.