Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung phát triển nhiều kỹ thuật mới cho ngành y tế Thủ đô

Gia Phong| 22/11/2016 20:07

(HNMO) - Chiều 22-11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội nhằm đánh giá kết quả công tác y tế của Thủ đô thời gian qua và bàn kế hoạch trọng tâm thời gian tới.



Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng dự.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc.


Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện tại trên địa bàn thành phố có 42 bệnh viện (gồm 25 bệnh viện đa khoa và 17 bệnh viện chuyên khoa) và 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (gồm 584 Trạm y tế xã/ phường/thị trấn, 4 Nhà hộ sinh, 52 Phòng khám đa khoa khu vực). Theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế của Hà Nội, từ nay đến 2020, thành phố sẽ đầu tư nâng cấp mở rộng 6 bệnh viện đã xuống cấp và xây dựng mới 15 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa với quy mô tăng thêm khoảng 5.000 giường bệnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, Hà Nội có quy hoạch hạ tầng cơ sở y tế tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, cái gì đã là thế mạnh của các bệnh viện trung ương thì Hà Nội không cần phải đầu tư mà nên tập trung vào ưu thế riêng của mình. Mặt khác, Chính phủ đã nhất trí về việc xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Nhi trung ương, Phụ sản trung ương tại huyện Quốc Oai và đang chủ trương xây cơ sở 2 của các bệnh viện (gồm: Mắt trung ương, Răng hàm mặt trung ương). Do vậy, Hà Nội cần xem xét lại việc quy hoạch xây dựng các bệnh viện Nhi, Phụ sản, Mắt, Răng hàm mặt để tránh chồng chéo lãng phí.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố đã rà soát, lập lại toàn bộ hệ thống quy hoạch y tế Hà Nội. Từ đầu năm nay, thành phố đã tạm dừng đề án ghép gan của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bởi đây là thế mạnh của các bệnh viện trung ương. Hiện tại, Hà Nội đã chuyển hướng đầu tư trung tâm kỹ thuật cao ở Bệnh viện Xanh Pôn với nhiều kỹ thuật mới đối với ngành y tế Việt Nam như: nội soi xâm lấn tối thiểu, tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa...

Về các công trình bệnh viện trung ương cơ ở 2 đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ Y tế tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp, chú trọng khảo sát xu hướng bệnh nhân, tính hợp lý của giao thông... Bởi vì xu hướng thế giới hiện nay khi quy hoạch các cơ sở y tế đều bảo đảm người dân từ nhà đến bệnh viện chỉ mất từ 15-20 phút đi bộ. Các chuyên gia Pháp đang khuyến cáo Hà Nội chỉ nên quy hoạch các bệnh viện từ 200-300 giường theo khu dân cư. Mô hình này sẽ hiệu quả hơn các bệnh viện lớn.

Ngoài ra, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cử các nhân viên y tế đến các bệnh viện lớn trong và ngoài nước để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi thăm và làm việc tại một số đơn vị y tế cơ sở thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bao gồm: Trạm Y tế xã Mai Đình, Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn.

Tại Trạm Y tế xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nơi đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình từ 2014. Hiện tại nơi đây đã quản lý hồ sơ sức khỏe theo mô hình bác sĩ gia đình cho khoảng 98% người dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, những đóng góp của mô hình bác sĩ gia đình tại Sóc Sơn giúp quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm tải cho bệnh viện, đồng thời người dân thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sóc Sơn phát huy hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Riêng Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cần tiếp tục đổi mới hướng đến sự hài lòng của người bệnh, nhất là chú trọng phát triển kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phát triển nhiều kỹ thuật mới cho ngành y tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.