Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin: Một nền hành chính vì dân

Hà Phong| 25/11/2017 06:11

LTS: Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, được ban hành ngày 30-10-2017 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, vì dân...


Bài 1: Tạo thuận lợi cho dân

Theo Nghị quyết 112/NQ-CP, thời gian tới, người dân không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú mà thay thế bằng mã số định danh duy nhất. Theo đó, sẽ có ít nhất 800 thủ tục rườm rà được Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành loại bỏ. Thông tin này thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Nhiều người cho rằng, việc "số hóa" càng cao thì càng hạn chế tiêu cực, tạo nền hành chính minh bạch.

Thông tin quản lý dân cư bằng mã số định danh, bỏ sổ hộ khẩu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.


"Khai tử" nhiều thủ tục hành chính

Với quy mô dân số lên tới hơn 90 triệu người, nhu cầu chứng minh về nhân thân trong các giao dịch dân sự, hành chính công của người dân được thực hiện ở nước ta rất lớn. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp, trung bình có khoảng 600.000 lượt giao dịch/ngày. Hiện tượng công dân phải xuất trình cùng lúc hai hoặc nhiều loại giấy tờ (ví dụ: Xuất trình đồng thời cả chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh; hay khi thực hiện thay đổi, cải chính hộ tịch, ngoài giấy tờ hộ tịch công dân phải xuất trình chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...) khá phổ biến.

Bộ Công an thừa nhận, với cách quản lý dân cư bằng các văn bản, giấy tờ như hiện nay, chúng ta không biết được cụ thể, đầy đủ dòng di cư của người dân. Kết quả khảo sát của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho thấy, sự biến động về dân cư rất phức tạp và khó quản lý. Điều này gây ra áp lực lớn đối với công tác quản lý cư trú, hệ thống quản lý thủ công hiện tại rất khó kiểm soát và cập nhật kịp thời các thông tin di biến động. Vì vậy, cách quản lý bằng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng, công dân chỉ cần mang thẻ căn cước, trong đó có số định danh, cơ quan nhà nước truy cập theo số định danh sẽ ra thông tin công dân thay vì rất nhiều loại giấy tờ. Cùng với việc bãi bỏ sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân, các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… sẽ bỏ yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân. Các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em, đăng ký thường trú cũng sẽ được "khai tử". Rõ ràng, khi đi vào triển khai thì đây sẽ là bước đột phá lớn của nền hành chính nước nhà.

Ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực

Hơn 40 năm qua, bên cạnh những tác dụng trong công tác quản lý dân cư, quản lý địa bàn của chính quyền và các cơ quan chức năng, không ít người dân chịu khổ vì những phát sinh từ các quy định liên quan đến hộ khẩu. Vì vậy, nhiều người kỳ vọng, bỏ quản lý hộ khẩu thủ công như hiện nay sang quản lý bằng điện tử phù hợp với xu hướng của thế giới và sẽ ngăn chặn được tiêu cực, nhũng nhiễu.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến về lộ trình thay đổi hình thức quản lý sổ hộ khẩu, diễn ra tại Hà Nội ngày 15-11, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định, việc số hóa thông tin cá nhân bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cải cách triệt để thủ tục hành chính. Có ít nhất 800 thủ tục rườm rà sẽ được Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành loại bỏ.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết, chỉ tính riêng việc bỏ bản sao chứng thực sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính, một năm chúng ta sẽ tiết kiệm được 450 tỷ đồng. “Khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân chỉ cần ngồi nhà, gửi yêu cầu đăng ký hộ tịch và được trả kết quả trực tuyến" - ông Nguyễn Công Khanh cho biết.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, Luật Hộ tịch quy định, thông tin hộ tịch là thông tin đầu vào rất quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong 15 trường thông tin thì thông tin hộ tịch có 9 trường. Vì vậy, từ đầu năm 2016, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp đã được liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Việc cấp số định danh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh đang triển khai tại 18 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội diễn ra rất nhanh. Từ nay đến cuối năm 2017, sẽ có thêm 10 địa phương triển khai phần mềm liên kết. “Việc này có nhiều tiện ích như dễ dàng thống kê số trẻ em sinh ra ở một tỉnh, hoặc xin trích lục khai sinh chỉ cần cấp số định danh là cán bộ hộ tịch có thể in ra, không mất thời gian chờ đợi” - ông Nguyễn Công Khanh nói.

Trực tiếp thụ hưởng dịch vụ trên, chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, thời gian chị chờ đợi cán bộ tư pháp cập nhật thông tin về con trai mới sinh để lấy số định danh cá nhân chỉ chưa hết một phút, cho thấy những nỗ lực của Bộ Công an và Bộ Tư pháp về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư cũng như hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin.

Khẳng định ở nhiều nước, thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ bao gồm ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nơi thường trú, nơi ở hiện tại mà còn là nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, số thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội…, anh Nguyễn Lê Tâm ở phường Văn Quán, quận Hà Đông mong muốn, Nghị quyết 112/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống nhanh chóng, trong đó, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ bảo đảm phục vụ cho công tác quản lý liên thông giữa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và quan trọng là tạo thuận lợi cho người dân.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin: Một nền hành chính vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.