Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý cơ sở kinh doanh "nhạy cảm"

Hà Hiền| 17/12/2017 07:18

(HNM) - Năm 2017, Đội kiểm tra liên ngành về Phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) TP Hà Nội đã kiểm tra định kỳ và đột xuất hàng chục cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.

Hoạt động kinh doanh karaoke tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn.


Tiềm ẩn tệ nạn

Đêm 14-12, Đội liên ngành 178 số 1 và số 2 TP Hà Nội, gồm đại diện ngành LĐ-TB&XH, Công an, Y tế, Du lịch, Văn hóa, Công Thương… kiểm tra một số cơ sở kinh doanh karaoke tại xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) và phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm). Việc kiểm tra tập trung vào nội dung chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm, an ninh trật tự, văn hóa, sử dụng lao động và các vấn đề khác liên quan. Đây là buổi kiểm tra hiếm hoi mà Đội liên ngành 178 không phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Kết quả ở những lần kiểm tra khác cho thấy, việc vi phạm pháp luật tại những cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, vũ trường, quán bar, karaoke, tắm hơi… diễn ra khá phổ biến.

Thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho thấy, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 16 điểm, tụ điểm mại dâm, trong đó có 6 điểm, tụ điểm tại nơi công cộng thuộc địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm. Toàn thành phố có hơn 6.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, tăng hơn 300 cơ sở so với năm 2016, trong đó có 2 vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ; 46 cơ sở kinh doanh bar sử dụng nhạc mạnh, gần 1.400 cơ sở karaoke, gần 1.200 cơ sở massage, tẩm quất, bấm huyệt… Tại các điểm công cộng vẫn còn những đối tượng bị nghi là hoạt động mại dâm, họ công khai mời chào khách. Trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, tệ nạn mại dâm tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

“Cơ sở kinh doanh dịch vụ chỉ là địa điểm giao dịch, thỏa thuận giá cả. “Ngã giá” xong, người bán và người mua chuyển địa điểm khác hoạt động. Địa điểm đó có thể là nhà riêng, nhà thuê, nhà nghỉ, khách sạn… nên rất khó phát hiện và xử lý”, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết.

Không chỉ tiềm ẩn tệ nạn mại dâm, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ không đủ điều kiện kinh doanh, bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng nhưng vẫn cố tình hoạt động. Vi phạm phổ biến nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke không đạt yêu cầu về diện tích phòng, số phòng hoạt động nhiều hơn số được cấp phép; phương án phòng cháy, chữa cháy chưa đúng quy định, thiếu an toàn. Các cơ sở massage, tẩm quất, bấm huyệt… hầu như không có nhân viên y tế trực, tủ thuốc không đủ loại theo danh mục thuốc đã quy định; nếu không may có tai nạn xảy ra, việc xử lý tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn cho khách sẽ rất khó thực hiện. Ngoài ra, nhiều cơ sở chưa hoàn thành việc sang tên, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh, chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động.

Chỉ phạt thôi chưa đủ!

Phát hiện, chỉ rõ những thiếu sót, sai phạm, Đội liên ngành 178 đã hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh thực hiện tốt công tác phòng, chống mại dâm và các quy định khác liên quan; đồng thời đề nghị Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Sở VH-TT Hà Nội ra quyết định xử phạt. Năm 2017, lực lượng thanh tra các sở đã ra 6 quyết định xử phạt với một số cơ sở kinh doanh có điều kiện với số tiền phạt 63,5 triệu đồng. Đội liên ngành 178 các quận, huyện, thị xã kiểm tra gần 1.300 cơ sở, đề nghị xử lý vi phạm nhiều cơ sở, trong đó 48 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 272 triệu đồng.

Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện là biện pháp hữu hiệu để đấu tranh, phòng ngừa và xử lý tệ nạn mại dâm. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, bổ sung quyền xử phạt cho Đội liên ngành 178.

“Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, Đội liên ngành 178 chỉ có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh và chuyển kiến nghị xử lý đến các cơ quan có thẩm quyền. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm và ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Đội. Trên thực tế, có những vụ việc Đội phát hiện thấy sai, đề nghị xử lý nhưng không được xử lý”, ông Phùng Quang Thức nói.

Song song với công tác kiểm tra, xử phạt, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các ngành, địa phương trong hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm là rất cần thiết. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, năm 2017, các lực lượng chức năng đã triệt phá được một tụ điểm mại dâm công cộng; phát hiện, triệt phá 166 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ hơn 700 đối tượng vi phạm. Số vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm trong năm 2017 giảm nhiều so với năm 2016.

Kết quả này cho thấy, trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, việc xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, nhưng chưa đủ. Một việc cần thiết là Đội liên ngành 178 phải được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động tích cực, hiệu quả hơn; các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải vào cuộc tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý cơ sở kinh doanh "nhạy cảm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.