Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,69%

Hương Minh| 17/01/2018 09:59

(HNMO) - Năm 2017, tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại Hà Nội đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.


Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,69%


Cụ thể, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 152.000 người; đã tổ chức 213 phiên giao dịch việc làm với 5.700 lượt doanh nghiệp, đơn vị tham gia, với 80 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, 23 nghìn lao động được tuyển dụng; tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 4,22% năm 2016 xuống còn 3,12%; tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 60,66%; 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư nơi sinh sống.

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị.


Đồng thời, thành phố triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Toàn thành phố giảm được 15,2 nghìn hộ nghèo (giảm 0,68%), đạt 112,3% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,69%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 99,3%; tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em đạt 93%.

Thành phố đã thực hiện trợ cấp hằng tháng cho 178 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, 7.500 hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, trên 7.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ và người mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng lao động là thành viên hộ nghèo; cấp thẻ BHYT miễn phí cho 246 nghìn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền trên 170,8 tỷ đồng; giải quyết cho trên 60 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền 1.800 tỷ đồng; cấp 740 thẻ xe buýt cho người khuyết tật, người có công...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực; dạy nghề còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp với xu thế phát triển, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa dạy nghề và tạo việc làm; kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa được như mong muốn; nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động tại nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng còn cao; môi trường sống của trẻ em chưa thực sự an toàn; công tác cai nghiện và quản lý sau cai còn khó khăn.

Để giải quyết, khắc phục được những tồn tại trên, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu đảm bảo chính sách an sinh xã hội, theo Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý, năm 2018, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là, triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4.100 nhà ở cho hộ nghèo trước ngày 17-10-2018-Ngày cả nước vì người nghèo; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội của thành phố; tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với cách mạng…

Đề xuất nâng mức trợ cấp đối với người có công với cách mạng

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương nghiên cứu nâng mức trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Lý do là bởi hiện nay mức trợ cấp hằng tháng của một số đối tượng người có công thấp hơn quy định mức sống trung bình nơi cư trú.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng đề nghị giải quyết chế độ cho những trường hợp thương binh, đồng thời là bệnh binh hoặc nghỉ mất sức lao động có thời gian tham gia quân đội dưới 15 năm hoặc có thời gian tham gia công tác ngoài quân đội dưới 20 năm được hưởng trợ cấp thương tật.

Về lĩnh vực bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá làm cơ sở để tính giá dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đủ mạnh, hấp dẫn đối với doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo nghề; đồng thời, ban hành cơ chế ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động vào làm việc phải qua đào tạo nghề, tiến tới huy động nguồn lực từ doanh nghiệp hỗ trợ chính cho việc đặt hàng dạy nghề.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cơ chế xử lý nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi của những đơn vị đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích để đảm bảo quyền lợi về BHXH của người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,69%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.