Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một thời công tử hào hoa

Ngân Hạ-Bảo Hân| 17/02/2018 16:05

(HNM) - Những công tử Hà thành một thuở sống trong giàu sang tột đỉnh, rồi cuốn theo thế cuộc, mỗi người một con đường, một số phận. Nhưng trong họ vẫn còn đó chất lãng tử, hào hoa... của người Hà Nội.


Vị công tử Hàng Bạc

Phố Hàng Bạc những ngày giáp Tết mưa phùn lây phây không đủ làm ướt nền vỉa hè lát đá. Phố nhỏ nên một chiếc xe máy xích nhẹ vào vỉa hè là đã có thể tắc nghẽn. Ấy vậy, mọi ánh mắt vẫn đổ dồn vào một ông cụ, tuổi ngoài 80 có khuôn mặt thanh tú đủng đỉnh đi trên phố. Dường như mọi người từ Hàng Bạc trên đến Hàng Bạc dưới đều có thể kể vanh vách về ông - công tử Phạm Gia Khánh ở nhà số 157.

Cảnh trong phim "Hà Nội mùa đông năm 1946"


Cả phố Hàng Bạc đều biết, ông Khánh là con trai của cụ Phạm Thế Kính, một nhà kinh doanh có tiếng trên phố Hàng Bạc những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cha của ông có tất thảy ba bà vợ với gần chục người con, nhưng chỉ có hai con trai. Ông Khánh là con trai của bà cả, lại hơn người em út nhiều tuổi nên được gia đình chiều chuộng như một ông vua con. Thời trẻ, một mình ông sở hữu tới 13 căn nhà ở khu phố cổ, chưa kể điền trang, thái ấp nơi ngoại thành.

Cũng như nhiều con nhà “có máu mặt” ở Hà Nội, công tử Phạm Gia Khánh được gửi vào học trường Tây nên thông thạo tiếng Anh và nói tiếng Pháp như gió. Trong khi bạn bè còn chật vật với từng bữa ăn thì vị công tử này luôn đỏm dáng với comple sang trọng cùng cả chục loại xe đạp của Pháp như Sainte’treme, Peugeot, Sterling..., chưa kể chiếc Mobylette, một loại xe máy thuộc loại hàng hiếm ở Hà Nội lúc bấy giờ. Công tử Khánh đi đâu cũng có kẻ hầu, người hạ và thường ăn một mình một mâm trên gác hai. Bữa cơm nào cũng đầy ắp gà tần, chim quay, cá rán..., chỉ cần tỏ ra không thích, lập tức, đầu bếp sẽ phải tìm món khác để thay cho... vừa miệng.

Là công tử Hàng Bạc có tiếng nên ông Khánh cũng tạm giữ kỷ lục có đám cưới to nhất Hà thành những năm 40 của thế kỷ trước. Có cuộc sống “vương giả” và mã ngoài bảnh bao, công tử Phạm Gia Khánh đương nhiên sánh đôi cùng hoa khôi thời đó. Bà Lê Thị Huệ dù xuất thân từ một gia đình nông dân ở huyện Gia Lâm, không thuộc hàng tứ đại mỹ nhân Hà thành theo xếp hạng của một nhà văn, nhưng cũng nổi tiếng với vóc người cao ráo, nước da trắng và “đôi mắt biết nói”. Năm 1949, hôn lễ của vị công tử nhà họ Phạm khiến cả thành phố xôn xao bởi sự xuất hiện của 12 chiếc xe hơi đón dâu từ Gia Lâm về Hàng Bạc cùng việc tổ chức ăn uống linh đình suốt 4 ngày đêm.


Sau khi lấy vợ, “cậu ấm” Khánh tiếp tục theo học Trường Lyce’e Albert Sarraut (nay là Trường Trần Phú - Hoàn Kiếm). Đầu năm 1954, thực dân Pháp tổ chức “động viên” toàn bộ học sinh trung học ở các trường tham gia quân đội. Hay tin con trai phải ra chiến trường, nhà họ Phạm chạy vạy đủ đường. Ông Khánh kể, khi ấy mẹ ông chỉ nói một câu ngắn gọn: “Số tiền để cứu con ra khỏi trường tương đương số lượng vàng dát mỏng đắp kín người”. Không chỉ vậy, bà còn bỏ tiền thuê riêng một chuyến máy bay đưa con trai chạy vào Đà Lạt.

Gần một năm sau, ông Khánh trở về Hà Nội, kinh tế gia đình bắt đầu sa sút. Một công tử chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp buộc phải bước vào con đường lao động. Ông đi bán báo khắp vỉa hè Hà Nội, có những ngày đôi chân phồng rát, cổ họng khan đặc nhưng không đủ tiền ăn cho cả gia đình. Và điều khiến vị công tử đau lòng nhất chính là tình cảm vợ chồng dần rạn nứt theo cái nghèo, cái đói. Không còn là một công tử Hàng Bạc bảnh bao, lịch thiệp, có người hầu, kẻ hạ... lại thêm lời châm chọc của người đời, vợ ông chán nản đi theo người đàn ông khác.

Một mình nuôi 4 người con, ông Khánh phải loay hoay đủ nghề, khi thì chạy xích lô, khi làm phu khuân vác gỗ... để có thể lo được bữa cơm cho gia đình. Cuộc sống dường như dễ thở hơn, năm 1961 ông Khánh vào làm tại Nhà máy xay Hà Nội và đi bước nữa với cô công nhân cùng xí nghiệp.

“Công tử Hàng Bạc” - Phạm Gia Khánh nay đã ở cái tuổi bát tuần, đã trải đủ cả ngọt bùi đắng cay của cuộc đời. Căn nhà cũ đã bán để trang trải cuộc sống, con người từng một thời giàu nhất phố Hàng Bạc sống trong căn nhà 10m2 ngoài đê Phúc Tân. Không còn sức đạp xích lô, hằng ngày ông đủng đỉnh đi bộ qua con đê cũ giờ là con đường gốm sứ ngược qua Hàng Mắm về Hàng Bạc. Thường chào bà con trong phố bằng một câu tiếng Pháp và khi khách du lịch hỏi đường, ông Khánh tận tình chỉ giúp bằng cả hai thứ tiếng Anh và Pháp được học rất bài bản từ nhỏ. Lần nào cũng vậy, khi về phố “công tử Hàng Bạc” cũng dừng lại rất lâu nơi nhà cũ số 157. Người trong phố tôn trọng ông là bởi dù ở hoàn cảnh bi đát đi nữa thì công tử Phạm Gia Khánh vẫn lạc quan. Ông không tự ti về hoàn cảnh, và cuộc đời ông chính là một thước phim để mỗi người có thể chiêm nghiệm, tự rút ra bài học.

Những công tử Hà Thành làm cách mạng

Những trang tiểu thuyết viết về Hà Nội mùa đông năm 1946 như Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Bóng nước Hồ Gươm (Chu Thiên)... đều phảng phất hình ảnh “công tử Hàng Bạc”. Sau này, xuất hiện trên sân khấu kịch nói và phim là một “công tử Hàng Bạc” ngạo nghễ ăn mặc bảnh bao, thời thượng, tự sắm cho mình súng ngắn để theo chúng bạn cầm súng đánh giặc. Khi được hỏi về hình tượng lãng mạn này, ông Khánh không nhận mình theo ý nghĩa đó, nhưng ông kể: Có bà chị họ ở số nhà 155, tên là Lê Thị Nga – một trong những người phụ trách thiếu nhi thuộc Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu thời kỳ đầu cùng với nhạc sĩ Phong Nhã và nhiều nhà cách mạng khác. Bà Nga là con gái duy nhất của cụ Hai Liên một trong những nhà tư sản lớn phố Hàng Bạc. Tuy là phận nữ nhi nhưng bà thường cùng chúng bạn mặc quần sooc đi xe đạp và rất thích chơi súng. (Hình tượng này rất giống cô Tuyết tân thời trong tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng ở trọ trên phố Hàng Bạc).

Ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Hà Nội, theo lời ông Khánh, bà Nga để một khẩu súng ngắn trong một quyển sách khoét rỗng rồi ào xuống đường cùng quần chúng giành chính quyền. Những ngày mùa đông năm 1946, bà cùng tự vệ Liên khu 1 chiến đấu ngoan cường, cầm chân quân Pháp. Cũng từ đây bà quen và nên duyên với chàng trai phố Cầu Gỗ là trung đội trưởng tự vệ. Hòa bình lập lại, bà Nga cùng chồng ở phố Hàng Bè và Hàng Bạc, ông bà cùng công tác tại Bộ Lương thực cho đến khi nghỉ hưu.

Trong tấm ảnh lịch sử mà nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp vào sáng 19-8-1945, trong khối quần chúng xông vào Bắc Bộ phủ có một người ăn mặc âu phục, đội mũ phớt đang cố chạy lên hàng đầu chính là ông Nguyễn Duy Thân - một trong năm Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội. Ông Nguyễn Duy Thân sau đó giữ chức Phó Giám đốc Bắc Bộ phủ, phụ trách công tác thanh tra. Một lần về quê ở Bắc Ninh, ông quen biết và nên duyên với bà Vũ Thị Khôi (tức Phan Thị Sáng em gái nhà cách mạng Phan Trọng Tuệ) là một trong những nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước ta. Nhưng ít người biết, nhà cách mạng Nguyễn Duy Thân cũng là một công tử Hà thành.

Chúng tôi gặp hậu duệ nhà cách mạng Nguyễn Duy Thân là Đại tá Nguyễn Duy Thành và được nghe kể lại câu chuyện: Ông Nguyễn Duy Thân quê gốc ở Đình Bảng là một cậu học sinh Trường Bưởi trắng trẻo, nho nhã, giỏi tiếng Pháp nhưng cũng rất gan góc. Cùng với các ông Nguyễn Khang, Nguyễn Quyết, Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy, ông Nguyễn Duy Thân là thành viên trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thủ đô thành công rực rỡ. Đại tá Nguyễn Duy Thành cho biết thêm, nghe mẹ kể lại ông vốn là một công tử Hà thành. Khi đi mua áo sơ mi hay caravat thường mua cả tá (12 chiếc) có người giúp việc xách về. Lãng tử, hào hoa nhưng trọng việc nghĩa cho nên khi đã làm cách mạng thì rất kiên trung, dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng vượt qua.

Từ cuộc đời thực đi vào tiểu thuyết, rồi từ những câu chuyện cũ bước ra cuộc đời, những công tử Hà thành một thời đều có chất rất riêng - chất Hà Nội - lãng tử, phong nhã, hào hoa nhưng gan góc, lạc quan, nghĩa khí, sẵn sàng chấp nhận và vượt qua mọi khó khăn. n

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thời công tử hào hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.