Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách tư pháp - nhìn từ những phiên tòa

Hà Phong| 03/03/2018 08:25

(HNM) - So với cải cách hành chính, công tác cải cách tư pháp thời gian qua tiến hành vẫn chậm hơn, nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu. Điểm nổi bật là nhiều quy định mới về nội dung và hình thức cũng như các nguyên tắc tố tụng tiến bộ được ghi nhận qua các phiên tòa xét xử

Việc cải cách tư pháp đã tạo những hiệu ứng tích cực tại các phiên tòa. Ảnh: An Đăng



"Đại án" được xử nghiêm minh

Trong những "đại án" xét xử đầu năm 2018, phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo: Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165, Bộ luật Hình sự 1999) và “Tham ô tài sản” (Điều 278, Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự quan tâm đó không chỉ bắt nguồn từ mức độ phức tạp, tính chất đặc biệt về nhân thân các bị cáo mà còn là hình thức tổ chức phiên tòa. Điều dễ nhận thấy là "vành móng ngựa" đã được bỏ; khi được hỏi và thực hiện quyền tranh luận, bị cáo và những người tham gia tố tụng trả lời tại “bục khai báo”. Đồng thời, kiểm sát viên và luật sư được bố trí ngồi đối diện, ngang hàng với nhau, Hội đồng xét xử ngồi ở vị trí trung tâm. Điều đó phản ánh sự bình đẳng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội theo tinh thần cải cách tư pháp.

Không chỉ thay đổi về hình thức, quá trình xét xử các vụ án này, tòa án đã không hạn chế thời gian tranh tụng. Thực hiện các bộ luật mới hiện nay, tòa án đã triệu tập cả điều tra viên khi cần thiết. Việc đối chất giữa các bị cáo được thực hiện ngay khi Hội đồng xét xử thấy nội dung lời khai có mâu thuẫn và cần làm sáng tỏ.

Nhìn lại chuỗi ngày xét xử sơ thẩm các bị cáo: Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 đồng phạm, nhiều nội dung mà các luật sư biện hộ, đối đáp thẳng thắn được đại diện Viện Kiểm sát đáp lại đầy đủ, cụ thể từng vấn đề. Đến chiều 15-1-2018, đại diện Viện Kiểm sát đã chấp nhận một phần quan điểm bào chữa, chính thức đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức hình phạt (so với đề nghị của Viện Kiểm sát khi luận tội) cho 5 bị cáo (Bùi Mạnh Hiển, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Lý Hải, Lương Văn Hòa và Lê Đình Mậu). Đây là điều mà trong thực tế xét xử, ít phiên tòa đạt được. Sự tôn trọng kết quả tranh luận của Viện Kiểm sát cho thấy tính dân chủ, bình đẳng, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng đã được khẳng định. Tiếp đó, những tình tiết giảm nhẹ, những thành tích, cống hiến của bị cáo trong quá trình công tác và những đóng góp tích cực của họ trong quá trình phá án được Hội đồng xét xử xem xét cụ thể, đầy đủ, phân minh, làm cơ sở để lượng hình.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện Tòa đã có danh sách tất cả các hội đồng xét xử "đại án" và có đánh giá kiểm tra năng lực từng hội đồng. Các thẩm phán tham gia đều có kinh nghiệm điều hành và phẩm chất tốt. Tòa đã yêu cầu các thẩm phán chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nghiên cứu hồ sơ độc lập theo đúng quy định của luật; yêu cầu các hội đồng xét xử nghiên cứu thật kỹ, lưu ý các điểm mới về quá trình tố tụng. Về cơ bản hình phạt mà các tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Cân nhắc hạn chế phiên tòa lưu động

Những tiến bộ nêu trên là những nét tích cực trong phiên tòa “đại án” từ đầu năm đến nay, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân về một nền tư pháp tiến bộ. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, dư địa cải cách vẫn còn nhiều. Trong đó, việc cần làm tới đây là bỏ hẳn những phiên tòa lưu động vừa gây tốn kém ngân sách vừa gây khó khăn cho công tác bảo vệ, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hồ Chí Minh), việc xét xử lưu động dù có một số điểm lợi trong tuyên truyền pháp luật nhưng những bất cập và tác động tiêu cực của nó còn nhiều hơn. Việc xét xử diễn ra ngoài tòa, trước mắt công chúng nên những tác động tích cực cần phải xem xét trong tương quan với những tác động tiêu cực đến bị cáo và người thân của bị cáo.

Cử tri Quản Thu Trang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cũng cho rằng, bỏ việc xét xử lưu động là cách bảo đảm công bằng trong việc xét xử. Không thể người này thực hiện hành vi phạm tội thì xét xử tại trụ sở tòa án, người khác lại mang ra trước bàn dân thiên hạ để xét xử, gây ảnh hưởng tới danh dự, nhất là với người thân, gia đình của họ. Chưa hết, bị cáo là người thật, việc thật kể lại sự việc, người dự là thanh, thiếu niên rất có thể sẽ bắt chước các chiêu lừa đảo, trộm cắp mà bị cáo khai.

Về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trước đây phiên tòa lưu động có tác dụng giáo dục pháp luật cho nhân dân và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, báo chí giúp cho công tác giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Vì vậy, ngành Tòa án sẽ cân nhắc lại hiệu quả của phiên tòa lưu động, có thể năm 2018 sẽ dừng việc xét xử lưu động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách tư pháp - nhìn từ những phiên tòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.