Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác thi hành án dân sự: Cần tháo gỡ những "lỗ hổng" về thể chế

Hà Phong| 27/05/2018 07:11

(HNM) - Những tháng đầu năm 2018, công tác thi hành án dân sự trên cả nước tiếp tục thu được những kết quả tích cực.


Là địa phương luôn chiếm lượng việc và tiền phải thi hành án đứng đầu cả nước, do vậy việc rà soát án, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là công an trong giải quyết án tồn đọng được Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh chú trọng. Đây cũng được xem là giải pháp tốn ít thời gian và tiết kiệm nhất. 6 tháng đầu năm 2018 (tính từ tháng 10-2017), Cục đã thụ lý 81.853 việc, tăng 5.899 việc (18,99%) so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số việc phải thi hành là 81.262 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 60.932 việc. Trong số việc có điều kiện thi hành, Cục đã thi hành xong 28.778 việc, đạt tỷ lệ 47,23% (vượt 11,23% so với chỉ tiêu được giao).

Hà Nội cũng là địa phương có lượng án và tiền thụ lý mới liên tục tăng cao. 6 tháng đầu năm, số tiền thụ lý mới, phải thi hành (không tính số cũ chuyển sang) của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội là 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Khối lượng công việc tăng nhưng biên chế không tăng là thách thức lớn. Mặc dù vậy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, chỉ riêng thi hành án trọng điểm, Cục đã thụ lý 58 việc với 297,5 tỷ đồng; đến nay đã giải quyết xong 6 việc với 21,5 tỷ đồng. Trong đó, 2 việc thi hành xong hoàn toàn; 4 việc đã xử lý hết tài sản, không còn tiền, tài sản để thi hành; số có điều kiện, đang thi hành 52 việc. Quá trình triển khai, lãnh đạo Cục duy trì chế độ giao ban với lãnh đạo các chi cục, gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện từng nhiệm vụ, nhất là các việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, từ đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt là thế mạnh của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội và nhiều địa phương khác đều cho rằng, những kết quả đạt được trong 6 tháng qua khó duy trì bền vững. Lý do được đưa ra là tình hình thụ lý án hằng năm đều tăng do xã hội phát triển, tranh chấp dân sự nhiều, trong khi biên chế giảm chứ không tăng, khiến chấp hành viên gánh quá nhiều đầu việc. Con số từ các cục thi hành án dân sự đưa ra cho thấy, tại Cà Mau, Bình Dương mỗi chấp hành viên có khi phải thụ lý 500-750 việc mỗi năm, như vậy một ngày làm việc phải giải quyết đến 2 việc. Tây Ninh, Đồng Nai, Hà Nội cũng là những địa phương có lượng việc chấp hành viên phải thụ lý rất lớn.

Bên cạnh đó, thể chế lĩnh vực thi hành án (Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 và các văn bản liên quan) còn rườm rà. Theo quy định hiện hành, việc thông báo thi hành án rất hình thức. Một số trường hợp đương sự đã bỏ địa phương đi nơi khác không xác định được địa chỉ nhưng vẫn phải thực hiện việc thông báo, niêm yết. Nhiều trường hợp kê biên, thông báo bán đấu giá tài sản, nhất là nhà ở, đất đai không có người mua do thị trường bất động sản trầm lắng; người dân có tâm lí e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án…, nhưng ngành Thi hành án dân sự chưa có cơ chế khắc phục tình trạng này. Một trong những lý do cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn nữa là việc xác minh tài sản để thi hành án.

Thực tế trên cho thấy, để giải quyết những bất cập đang đặt ra trong công tác thi hành án dân sự không chỉ cần sự nỗ lực của cơ quan thi hành án mà quan trọng hơn, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan cần từng bước tháo gỡ, hoàn thiện thể chế thi hành án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác thi hành án dân sự: Cần tháo gỡ những "lỗ hổng" về thể chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.