Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn sử dụng chất gây ảo giác: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Minh Quang| 31/10/2018 06:18

(HNM) - Hơn một năm sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 110/KH-UBND chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”...

Bóng cười đang được mua bán, sử dụng trong giới trẻ.


Bớt công khai nhưng... không khó tìm

Khu phố cổ tại quận Hoàn Kiếm, nhất là những con phố như Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ trước đây nổi tiếng một phần vì bóng cười hay shisha bán ngay trên vỉa hè, trong quán bar, cà phê âm nhạc, song gần đây hiện tượng này đã giảm hẳn. Theo anh Tuấn Anh - một “thổ dân” khu vực này thì cách đây hơn một năm, từ khi thành phố có lệnh cấm các chất kích thích trên, việc bán và sử dụng công khai đã giảm hẳn, nhưng vẫn có thể tìm được điểm bán bóng cười ở một số quán cà phê âm nhạc, tất nhiên phải là khách quen.

Cũng theo “thổ dân” này, ở khu vực Cầu Giấy, nếu chịu khó tiếp cận các quán karaoke ở ven sông Tô Lịch cũng có thể tìm được bóng cười, shisha. “Hiện nay, rất khó để sử dụng các loại chất kích thích trên ở quán bar hay cà phê âm nhạc, bởi lực lượng chức năng kiểm tra rất gắt. Nếu sử dụng công khai sẽ bị phạt. Vì thế, nhiều dân chơi mới tìm đến các quán karaoke vì có phòng riêng, ít gây chú ý. Không kể, ở đó còn có hệ thống bảo vệ nên nguy cơ bị bắt khi sử dụng sẽ ít hơn”, Tuấn Anh cho biết.

Điều đáng nói hiện nay là vẫn có nhiều người, trong đó chủ yếu là giới trẻ tìm đến các sản phẩm gây ảo giác này. Như vậy có thể thấy, trào lưu sử dụng chất kích thích trong giới trẻ không dễ lắng xuống nhanh chóng, nhất là khi việc kinh doanh bóng cười, shisha… mang lại lợi nhuận lớn. Một bình khí 5kg N2O giá gốc khoảng 2,3 triệu đồng có thể tạo ra 350 quả bóng cười (thường được bán với giá 50.000 đồng/quả), tương đương 17,5 triệu đồng. Trong khi đó, mức phạt hành chính cao nhất đối với hành vi tổ chức sử dụng bóng cười chỉ khoảng 10 triệu đồng và khí N2O để tạo ra bóng cười chưa được đưa vào danh mục cấm kinh doanh. Vì vậy, chế tài xử lý chủ yếu là xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.

Cần phối hợp đồng bộ

Kế hoạch 110/KH-UBND của UBND thành phố đã "phân vai" rõ cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên, cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tổ chức sử dụng các chất kích thích... Vậy nên, các ngành khác, các tổ chức, đoàn thể cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Cảnh sát hình sự kiểm tra, xác minh các chất kích thích trong một vụ án.


Trong hoạt động trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm ẩn vi phạm và tái vi phạm như hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật… Còn các phòng văn hóa - thông tin quận, huyện, thị xã cũng triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn việc sử dụng chất kích thích tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là ở các quán karaoke. Đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin Nam Từ Liêm cho hay, trên địa bàn quận hiện có 30 cơ sở karaoke đủ điều kiện hoạt động. Ngoài việc kiểm tra điều kiện kinh doanh, các yếu tố bảo đảm an ninh, an toàn, Phòng Văn hóa - Thông tin quận còn tổ chức cho chủ các cơ sở kinh doanh karaoke ký cam kết không sử dụng các chất kích thích gây nghiện tại địa điểm kinh doanh. Ngoài ra, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND các phường tuyên truyền trên hệ thống loa công cộng về tác hại của việc sử dụng bóng cười, shisha cũng như những loại tương tự...

Còn theo anh Nguyễn Thăng Long, Bí thư Đoàn phường Xuân La (Tây Hồ), sự tham gia của đoàn viên thanh niên trong công tác tuyên truyền tại nhiều địa điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa cũng là một giải pháp tích cực. Theo anh Nguyễn Thăng Long, quan trọng nhất là cần có một "nhạc trưởng" - người làm đầu mối xuyên suốt theo từng cấp để việc phối hợp thực hiện diễn ra đồng bộ, hiệu quả.

Rõ ràng, việc ngăn chặn sử dụng các chất kích thích tại những địa điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa như quán karaoke, quán bar, cà phê âm nhạc... nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Nhưng nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể thì các loại chất kích thích gây ảo giác sẽ bị thu hẹp "đất diễn".

Hàng loạt vụ việc đáng tiếc xảy ra thời gian vừa qua cùng không ít thông tin liên quan hệ lụy của việc sử dụng các loại chất kích thích gây ảo giác như “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”... đã gióng một hồi chuông báo động tới cộng đồng. Chính vì thế, thận trọng, tự ý thức giữ gìn sức khỏe bản thân trong mỗi cuộc vui, dù đó là ở quán bar, karaoke hay bất cứ đâu là lời nhắc nhở không thừa cho tất cả mọi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn sử dụng chất gây ảo giác: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.