Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là bài toán chỗ để

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 18/12/2017 13:27

(HNMO) - Kể từ ngày 1-1-2018, Hà Nội sẽ áp dụng mức giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố cao hơn so với hiện nay.

Ngay cả ở những đô thị phát triển bậc nhất thế giới, việc quản lý và điều tiết phương tiện luôn đối mặt với những thách thức lớn.


Thu phí nhưng vẫn phải đảm bảo tính đa dạng của phương tiện

Những thách thức nảy sinh trong công tác quản lý phương tiện giao thông không phải câu chuyện riêng của một đô thị nào. Nhu cầu từ phía người dân luôn hết sức đa dạng. Nếu như ô tô đại diện cho tiện nghi cuộc sống, xe máy lại tạo lợi thế nhờ sự linh hoạt, chi phí duy trì thấp, ít chiếm dụng không gian. Trong khi đó, phương tiện giao thông công cộng lại "ghi điểm" nhờ đúng giờ, tiện lợi và an toàn.

Nói cách khác, tùy theo từng tình huống, mỗi cá nhân sẽ có xu hướng chọn lựa phương tiện tương ứng sao cho hợp lý nhất. Chính vì thế, việc cấm đoán hẳn một loại nào đó dừng đỗ ở một khu vực nhất định sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. Thay vào đó, điều tiết linh hoạt qua những hình thức khác nhau sẽ là lựa chọn hợp lý hơn, mà thu phí là một trong số đó.

Việc áp dụng phí đỗ xe như một hình thức điều tiết số lượng phương tiện trong đô thị là phương thức phổ biến, áp dụng rộng rãi ở nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới do tính linh hoạt và nhiều điểm tích cực mang lại. Áp dụng linh hoạt mức phí đối với hoạt động dừng đỗ và lưu thông của phương tiện là thang đánh giá rất thực tế, cho phép mỗi cá nhân tự cân nhắc loại hình di chuyển mà họ muốn dựa trên khả năng tài chính cũng như nhu cầu cụ thể. Sự "tự giác" tương đối này góp phần không nhỏ đối với việc hạn chế lượng phương tiện lưu thông không thực sự cần thiết, vừa không tạo ra những phiền toái không cần thiết.

Tuy nhiên, để tạo ra một giải pháp tổng thể thực sự hoàn thiện, chỉ trông cậy vào các con số vẫn là chưa đủ. Để làm rõ điều này, hãy xem một ví dụ tại Đài Loan (Trung Quốc).

Cơ chế phí trông giữ xe hợp lý

Trước hết, việc xây dựng một quy hoạch các mô hình đỗ xe là điều hết sức quan trọng. Tại Đài Bắc, một đô thị chỉ rộng hơn 2.400 km2 nhưng có tới trên 7 triệu dân, chính quyền thành phố có xu hướng bố trí phương tiện cỡ lớn như ô tô vào các bãi đỗ ngầm, hoặc khu vực tập trung. Trong khi đó, xe hai bánh được cho phép đỗ ngay trên vỉa hè hoặc lề đường để tiện cho việc di chuyển linh hoạt của người dân.

Đáng chú ý, mức giá để xe trong hầm tòa nhà, bãi đỗ ngầm thường rẻ hơn so với các khu vực lòng đường và vỉa hè. Chênh lệch này khuyến khích chủ phương tiện chủ động đưa xe vào các bãi đỗ ngầm, trả lại không gian bề mặt cho người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông.

Trong khi đó, mức phí được tính toán linh hoạt trên từng tuyến phố (tùy theo mật độ phương tiện, tỉ lệ ùn tắc, thực tế địa hình...) cũng giúp điều tiết lượng phương tiện dừng đỗ. Nếu chấp nhận đi bộ thêm vài chục mét nhưng tiết kiệm được một nửa chi phí đỗ xe thì có lẽ ai cũng dễ dàng chấp nhận trừ khi có việc gì đó quá gấp gáp.

Tại Đài Loan, hầu hết thanh toán trong hoạt động tham gia giao thông hàng ngày đều có thể được thực hiện qua thẻ thông minh như một giải pháp tất cả trong một, song song với tiền mặt. Loại thẻ từ (thường gọi tên là YoyoCard) được sử dụng rộng rãi tại Đài Loan, và cũng có thể thanh toán cho nhiều phương tiện công cộng và các dịch vụ dân sinh khác. Mặt khác, sự minh bạch đến từ hệ thống thanh toán "số hóa" cũng giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động trông giữ xe của chính quyền các cấp.

Bố trí hợp lý không gian vỉa hè và lòng đường

Với tỉ lệ xe máy trên đầu người lên tới 1,5 chiếc, không lạ khi đường phố Đài Loan tràn ngập loại phương tiện này. Để quản lý xe máy với số lượng khổng lồ, chính quyền các thành phố quy định chỗ đỗ rất khoa học và dày trên các tuyến phố. Trên vỉa hè đủ rộng, cơ quan chức năng sẽ kẻ sẵn vạch cho xe máy đỗ, nếu chủ phương tiện đỗ ra ngoài vạch sẽ bị phạt.

Một bãi đỗ xe tập trung dưới chân đường tàu điện trên cao.


Một điểm đáng chú ý là xe máy luôn được bố trí đỗ sát lòng đường, nhường lại khoảng vỉa hè phía trong cho người đi bộ. Điều này vừa đem tới sự tiện lợi cho người điều khiển phương tiện, vừa hình thành một hàng rào tự nhiên đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đồng thời hạn chế tình trạng xe máy... leo hè khi tắc đường.

Trong khi đó, gầm cầu vượt... là những địa điểm được bố trí thành lập các bãi đỗ xe thường xuyên. Tuy nhiên, không thuần túy chỉ là quây hàng rào khép kín, mà thực tế nhiều giải pháp thông minh (như giá để hai tầng với cơ chế đưa xe lên dễ thao tác chỉ với một người, hệ thống giám sát điện tử...) được triển khai đã giúp tăng cường hiệu quả khai thác không gian, quản lý hạ tầng, cũng như đảm bảo tiện lợi cho người sử dụng.

Với những bãi đỗ trên cao hoặc trong hầm, người dân cũng dễ dàng tìm đường vào thông qua bảng điện tử chỉ dẫn địa điểm và hiển thị số chỗ còn trống, được bố trí để tài xế có thể quan sát được ngay khi đang di chuyển trên đường.

Loại bỏ yếu tố "ngại" thanh toán tiền nong

Để khuyến khích người dân đỗ xe đúng vị trí, phương thức thu tiền thực sự tiện lợi luôn cần được chú trọng tính toán sao cho hợp lý, bởi lẽ không ít người chỉ vì tâm lý ngại các khâu ghi vé, đếm tiền trả... mà nảy sinh ý muốn dừng đỗ bừa bãi.

Nếu dành vài giờ tản bộ trên các tuyến phố tại Đài Bắc, thoạt nhìn việc dừng đỗ xe của người dân có vẻ tự do, nhưng thực chất mỗi tuyến phố đều có cán bộ quản lý. Người này sẽ đi từng xe, ghi vé dựa trên thời gian đỗ để quy ra tiền. Sau đó, người dân chỉ cần lưu giữ lại vé trên xe sau dừng đỗ, và thanh toán chung một lần (có thể là theo tuần hoặc theo tháng). Hoạt động thanh toán này có thể tiến hành qua nhiều kênh khác nhau, thậm chí là ngay ở các cửa hàng tạp hóa đủ điều kiện được chính quyền địa phương cấp phép.

Đảm bảo không gian cho người đi bộ cũng như phương tiện lưu thông.


Giảm mật độ dừng đỗ bằng phương tiện hỗ trợ trung gian

Để đáp ứng nhu cầu đi lại khoảng ngắn, chính quyền Đài Bắc "phủ sóng" mạng lưới cho thuê xe đạp công cộng (có tên YouBike) rộng khắp, với cơ chế hợp tác cho doanh nghiệp đấu thầu kinh doanh có thời hạn.

Vì vậy, dọc theo các tuyến phố tại thủ phủ của Đài Loan, cứ 500 mét người ta lại bắt gặp một bãi thuê xe đạp thông minh, tất cả được quản lý qua một hệ thống máy tính tập trung. Qua ứng dụng di động, người dân tìm ra điểm "mượn" xe gần nhất, với chi phí tương đương khoảng 8.000 đồng cho một giờ.

Điểm cho thuê xe đạp với cơ chế quản lý thông minh tại Đài Bắc.


Sự hiện diện của những điểm cho thuê xe đạp như vậy đã khiến việc đưa phương tiện cá nhân vào các khu phố chật hẹp, đông đúc vùng trung tâm không còn quá quan trọng, góp phần giảm lượng phương tiện di chuyển trên đường, cũng như giảm tải cho hạ tầng dừng đỗ. Đây còn được xem là một trong những biện pháp lý tưởng trong nỗ lực kiến tạo thành phố xanh.

Trong bối cảnh phát triển của đô thị hiện đại, việc vừa phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, nhưng vẫn điều tiết số lượng và chủng loại phương tiện trên đường là điều không hề dễ dàng chút nào.

Tuy nhiên, sự phát triển đồng bộ cả về hạ tầng và chính sách, song song với những giải pháp tiên tiến áp dụng khoa học kĩ thuật chắc chắn sẽ đem tới lời giải cần thiết, ngay cả với những đô thị có hệ thống giao thông phức tạp và đa dạng nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là bài toán chỗ để

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.