Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiên ngang Trường Sa

Mai Hoa| 02/09/2017 07:14

(HNM) - Góp vào giá trị của ngày Tết Độc lập luôn có sự nỗ lực và chung tay của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa. Nội dung ấy được thể hiện cô đọng, súc tích trong cuốn sách ảnh


Nụ cười lạc quan, sảng khoái của những chiến sĩ đảo Trường Sa.


- Ông có thể chia sẻ đôi điều về quá trình hình thành cuốn sách?

- Tôi bắt đầu chụp những tấm ảnh đầu tiên về Trường Sa từ tháng 5-2008. Từ đó đến nay đã 9 năm, cuốn sách ảnh này mới được ra đời, thực sự là "đứa con tinh thần" mà tôi đã đặt bao tâm huyết. Bản thân tôi thấy rất may mắn và hạnh phúc khi tính đến nay đã được đến thăm 14 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa trong những năm 2008, 2011, 2016 và vùng 4 hải quân (2015), để được chứng kiến Trường Sa ngày càng vững chắc và lớn mạnh. Tôi muốn gửi gắm những cảm nhận sâu sắc nhất về Trường Sa qua cuốn sách của mình.

- Vậy, cảm nhận sâu sắc nhất của ông về Trường Sa là gì?

- Lòng yêu nước, cùng với sự chung sức, chung lòng của quân và dân cả nước trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã tạo nên diện mạo và tâm thế "Hiên ngang Trường Sa". Sự hiên ngang không chỉ thể hiện qua những điều to tát, mà bắt đầu bằng những việc nhỏ, như những giọt mồ hôi trong lao động và khổ luyện giữa nắng gắt, trong bão tố; và cả sự âm thầm chịu đựng, khát khao của những người ngoài đảo xa và trong đất liền. Giản dị nhất, nhưng cũng có thể là rõ nét nhất, nét hiên ngang ấy được thể hiện qua sự lạc quan với những nụ cười rạng rỡ mà ai cũng có thể thấy ở mọi nơi, tại Trường Sa.

- Giá trị thời sự - nghệ thuật của "Hiên ngang Trường Sa" được biểu hiện như thế nào, thưa ông?

- Cuốn sách chính là một "nhật ký" bằng hình ảnh qua những khúc thời gian về những góc cuộc sống ở các đảo, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa của bản thân tôi. Không hoa mỹ, không màu mè, khi xem ảnh, đọc những lời viết, tôi tin độc giả sẽ phần nào thấy được cảm nhận thực của người bấm máy, nhìn thấy ý chí của dân tộc dồn cho Trường Sa, thấy tinh thần sẵn sàng bảo vệ và hy sinh cho Trường Sa. Cuốn sách có tính tư liệu cao vì đã ghi lại những thời khắc riêng của cuộc sống ở Trường Sa với góc nhìn của một quân nhân, một nhà báo và một nghệ sĩ nhiếp ảnh, chắc chắn sẽ có giá trị cả về thời sự và nghệ thuật cho hôm nay và mai sau, để mỗi người dân thêm hiểu "Trường Sa là như thế". Sắp xếp ảnh theo dòng tâm tưởng "Hiên ngang Trường Sa", tôi mong có thể góp phần nâng cao hiểu biết về Trường Sa cho bạn đọc, đồng thời nêu cao ý thức bảo vệ Trường Sa.

- Có bất ngờ nào ông muốn đem đến cho độc giả?

- Sách không quá to, quá dày, không đồ sộ, phong phú bằng nhiều bộ sách khác về biển đảo. Nhưng nó chứa đựng dấu ấn cá nhân, tình cảm xúc động của tôi trong hành trình đến với Trường Sa. Quá trình phục vụ quân đội thời gian dài, nhiều lần được đến với Trường Sa giúp tôi có điều kiện ghi lại các sự việc vừa có chi tiết, vừa có sự bao quát về cuộc sống, con người nơi đây. Với mắt nhìn của một nhà báo, nhà nhiếp ảnh, tôi mong tạo được dấu ấn, cái nhìn chiều sâu mang tính thời sự - nghệ thuật của những bức ảnh chân thực nhưng tràn đầy cảm hứng sáng tạo.

- Trong rất nhiều sách ảnh về Trường Sa, "Hiên ngang Trường Sa" có những điểm riêng biệt nào, thưa ông?

- Để nói được một cách toàn diện các vấn đề tổng thể về Trường Sa bằng hình ảnh, tôi khai thác theo ba góc độ, tương ứng ba phần. Phần thứ nhất là "Con người và cuộc sống Trường Sa", (108 ảnh). Phần hai "Vững mạnh để bảo vệ Trường Sa" (34 ảnh). Phần ba "Cả nước sát cánh cùng Trường Sa" (65 ảnh). Nếu các bạn trẻ chưa nghiên cứu đầy đủ thông tin ấn tượng về Trường Sa thì qua cuốn sách ảnh này, tôi mong có thể cung cấp một cái nhìn toàn diện về mọi vấn đề, từ sự khó khăn, gian khổ, vất vả cho đến sự sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc của những người sống trên đảo, cả sự chuyển biến, thay đổi, vững mạnh của chúng ta ở Trường Sa. Bên cạnh đó là những hình ảnh hồ hởi, vui, tự hào, hãnh diện của những người đã đặt chân đến Trường Sa nhằm cung cấp một cái nhìn lạc quan, khí thế của những người sẵn sàng ra đảo, giữ biển đảo. Tôi cũng miêu tả những nụ cười, cảm nhận về những người chiến sĩ, góp phần không lớn nhưng cần thiết để khuyến khích, động viên những cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phía sau những người giữ đảo, sẵn sàng bảo vệ và đến với đảo đều có câu chuyện riêng xúc động của mỗi người. Tôi mong có thể chuyển tải đến bạn đọc, người xem thông điệp gần gũi về những câu chuyện ấy.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Tác giả Trần Quốc Dũng sinh năm 1951, quê ở Ninh Sơn (Gia Khánh, Ninh Bình), là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từ tháng 1-2001, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 3-2012). Nghệ sĩ Quốc Dũng từng thực hiện hai cuộc triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật "Khoảnh khắc Trường Sa" (tháng 8-2008) và ảnh nghệ thuật về trẻ em "Sắc màu tuổi thơ" (tháng 5-2014)... Sách ảnh "Hiên ngang Trường Sa" dày 200 trang, khổ 25x25cm, gồm 207 ảnh màu và trắng đen, chọn lọc từ hàng nghìn ảnh tác giả thực hiện qua những chuyến đi Trường Sa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiên ngang Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.