Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bền vững từ nội lực

Minh Thúy| 29/06/2019 06:15

(HNM) - Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc


Nổi bật là tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2011 đến 2017. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định có vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều phức tạp với xu hướng tăng trưởng chậm lại thì việc giữ được nhịp phát triển của nền kinh tế là tín hiệu đáng mừng. Thực tế này đã khẳng định sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự chuyển động tích cực của các cấp, các ngành trong thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ, Quốc hội đặt ra, đặc biệt là Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội cũng có những dấu ấn đáng kể góp phần vào kết quả chung này. Với sự nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư…, 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước…

Đó là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chuyển biến tích cực, song nhiều khó khăn cũng đang chờ phía trước bởi sự tác động của tình hình thế giới. Để đạt được mục tiêu đề ra, không có con đường nào khác là phải khắc phục được những khó khăn, tìm giải pháp để nền kinh tế phát triển thực sự từ nội lực và bền vững.

Trước mắt, những vấn đề cần thực hiện quyết liệt là ngăn chặn sự lây lan của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, hạn chế sự tác động bất lợi từ thời tiết đến sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa… Cùng với đó, nền kinh tế phải dần xóa được những tồn tại như: Tính cạnh tranh và tính tự chủ còn thấp; khả năng chống chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài chưa cao… Đặc biệt, vẫn còn những bất cập trong cơ chế, chính sách, điều kiện kinh doanh ở một số lĩnh vực…

Để chớp được lợi thế cũng như biến thách thức thành cơ hội khi Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) dự kiến được ký kết trong ngày 30-6 tới, các bộ, ngành, doanh nghiệp… cần có giải pháp nâng cao năng suất lao động; chủ động đánh giá, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Trong bối cảnh này, những yếu tố như điểm sáng của công nghiệp chế biến, chế tạo; sự đột phá của ngành thủy sản hay việc xuất khẩu nông sản vào những thị trường “khó tính”… cần có thêm đòn bẩy để gia tăng giá trị bởi đó chính là sự phát triển thực chất của nền kinh tế.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc, các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Quan trọng hơn, phải nâng cao năng lực nội tại, bởi phải có nội lực, nền kinh tế mới có sức bật để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền vững từ nội lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.