Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Bòn rút tài nguyên, coi thường phép nước

Nhóm PV Điều tra| 17/05/2012 06:09

(HNM) - Nếu như Quảng Ninh thường là nơi xuất lậu các mặt hàng chủ yếu là than, cao su; Lạng Sơn xuất, nhập lậu hoa quả, các mặt hàng đông lạnh, thì Lào Cai được các đầu nậu đánh giá là "miền đất hứa" cho xuất lậu các loại quặng kim loại màu.

Lào Cai có đường bộ, đường sắt, đường thủy sang Trung Quốc. Ba tuyến đường này đã tạo ra ưu thế đặc biệt cho nơi đây. Chính vì vậy, quặng kim loại màu các loại đều tìm đường, tìm cách đưa về Lào Cai để xuất lậu, bất chấp đường xa, bất chấp các trạm kiểm soát có ở khắp mọi nơi...

Điểm xuất lậu quặng phía sau đền Thượng gần đường Phan Bội Châu (TP Lào Cai).

Muôn nẻo quặng lậu đổ về Lào Cai

Trong quá trình tìm hiểu hoạt động của những chủ đầu nậu xuất các loại quặng kim loại màu sang Trung Quốc, chúng tôi phát hiện ra nguồn hàng đổ về đây xuất phát từ nhiều tỉnh, thành trong nội địa. Lần ngược từ kho hàng nằm trên đường Triệu Quang Phục ở Lào Cai, chúng tôi đã theo các xe đổ hàng về các địa phương. Lần theo các xe mang biển số 23C-00…, 23C-00…, 23C-00…, 23C-00…, chúng tôi dò ra được điểm bốc hàng là tại một kho trong Khu công nghiệp (KCN) thuộc địa bàn huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).

Cả hai lô hàng được nhắc đến trong bài trước đều được các xe trên chở sang Lào Cai qua một đoạn đường dài khoảng 200 cây số với nhiều đèo dốc quanh co. Trong một chuyến vận chuyển quặng chì, các xe này đã cùng nhau xuất phát từ một kho trong KCN này nhưng đến gần khu vực đèo Cổng Trời, do xe quá tải vì phải chở tới 40 tấn trên mỗi xe, lại gặp đường đèo dốc nên hai xe đã bị hỏng và nằm lại bên đường để sửa. Hai xe còn lại là 23C-00… và 23C-00… cùng nhau vượt qua nhiều đèo dốc qua Bắc Quang rẽ vào đường 279 đi Phố Ràng. Khi đến Phố Ràng, xe rẽ phải vào đường 70 để về Lào Cai.

Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, chúng tôi còn phát hiện những xe này đã vài lần chạy đi hướng Cao Bằng và khi quay về kho lại đi cùng mấy xe cùng loại mang biển số Cao Bằng. Tiếp tục lần theo những chuyến chở hàng, những chiếc xe này đã đưa chúng tôi từ Vị Xuyên, qua thành phố Hà Giang, sang huyện Bắc Mê rồi tới thị trấn Pác Miều thuộc huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng). Tại thị trấn Pác Miều, những xe này đều vào kho của một đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản để bốc hàng. Cùng với các xe mang biển số nêu trên, những đợt chuyển hàng từ Bảo Lâm, Cao Bằng sang Vị Xuyên, Hà Giang còn có những xe mang biển số 11K-439…, 11K-482...

Từ Bảo Lâm (Cao Bằng) qua Vị Xuyên (Hà Giang) sang đến Lào Cai là một cung đường vừa xa vừa quanh co, hiểm trở. Nhưng không ít xe chở quặng chẳng quản đường xa, không ngại khó khăn, tìm mọi cách xuất lậu quặng chì sang Trung Quốc nhằm kiếm lợi nhuận bất chính. Qua các kênh thông tin, chúng tôi phát hiện ra quặng chì còn được các chủ hàng từ Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Kạn… gom lại và chở lên Lào Cai. Quặng chì và các loại quặng khác chở lên Lào Cai chắc chắn không phải là để kiếm việc cho cánh lái xe và cũng không phải mua vui cho các ông chủ hàng.

Đường 70 từ ngã ba Đoan Hùng (Phú Thọ) đến ngã ba Cây 9 (Yên Bái) rẽ phải chạy dọc sông Chảy đi qua Lục Yên tới Phố Ràng rồi lên Lào Cai lúc nào cũng có hàng đoàn xe tải cỡ lớn bịt kín, lầm lũi đi bất kể ngày đêm. Chỉ một đêm đi trên con đường này đã thấy vài vụ xe chở quá tải lật bánh nằm chềnh ềnh bên đường, hơn một lần chúng tôi nhìn thấy quan tài khói hương nghi ngút đặt ngay cạnh chiếc xe gặp nạn. Thế nhưng những đoàn xe quá tải chở nhiều mặt hàng, trong đó có quặng, vẫn đổ về Lào Cai.

Hàng từ phía tỉnh Lai Châu thì đi đường 4D qua Tam Đường, qua ngã ba Bình Lư vượt đèo Hoàng Liên Sơn, qua Sa Pa rồi xuống Lào Cai. Đây là con đường lớn gần nhất nối liền thị xã Lai Châu với thành phố Lào Cai.

Quặng từ Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái), quặng từ Than Uyên, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) có thể chọn cung ngắn nhất là ngược đường 32, qua Than Uyên rẽ vào đường 279 để vượt đèo Khau Co sang Văn Bàn (Lào Cai). Khi vượt sông Hồng và đến ga Bảo Hà, quặng có thể được chuyển sang đi đường sắt hoặc tiếp tục đi đường bộ theo đường 279 về đến Phố Ràng rẽ trái vào đường 70 đi Lào Cai.

Qua mặt nhiều trạm kiểm soát

Cho dù xe chở hàng nói chung và chở quặng nói riêng đi đường nào về Lào Cai đều phải qua không ít trạm kiểm tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông (CSGT), của liên ngành ở nhiều chốt trên đường, thế nhưng nhiều xe chở hàng cấm, xe chất hàng quá tải, quá cồng kềnh vẫn qua được nhiều trạm, nhiều chốt và về đến đích.

Qua hơn một lần theo dấu những chiếc xe chở quặng, chúng tôi đã thử đếm từ Hà Giang sang đến Lào Cai thì xe sẽ phải dừng lại ở bao nhiêu trạm, chốt. Từ thành phố Hà Giang, đến gần Bắc Quang lái xe phải xuống xe - lần thứ nhất. Khi xe rẽ vào đường 279 thì một đội CSGT bắt dừng xe lại - lần thứ hai. Đi được khoảng hơn 10 cây số, lái xe lại phải xuống vì có chốt CSGT - lần thứ ba. Trên đường bò lên đèo Nghĩa Đô, mốc chia giữa tỉnh Hà Giang và tỉnh Lào Cai trên đường 279, lái xe phải dừng vì một trạm kiểm soát liên ngành của Hà Giang chốt ở đây - lần thứ tư. Sang bên kia đèo Nghĩa Đô, lái xe lại phải xuống xe vì gặp trạm kiểm soát liên ngành của tỉnh Lào Cai - lần thứ năm. Khi đoàn xe đi vào đến đoạn đường đôi (cuối đường 70) gần Bản Phiệt, lái xe lại xuống xe tiếp - lần thứ sáu. Và lần thứ bảy là khi đoàn xe gặp chốt CSGT ở ngã tư đường Hoàng Diệu và Triệu Quang Phục (thành phố Lào Cai). Cả thảy là 7 lần dừng xe nhưng lần nào cũng được cho qua bằng cách "làm luật".

Câu chuyện thú vị nhất lại ở chốt cuối cùng. Khi CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra bằng lái, giấy tờ xe, các tài xế đã liên tục điện thoại cho một người nào đó nhưng vẫn bị giữ khoảng hơn một tiếng. Từ ngã tư này về đến kho trên đường Triệu Quang Phục chỉ còn một đoạn đường ngắn. Đến khi một chiếc xe bảy chỗ xịch tới và một người đàn bà bước xuống xe, chỉ nói vài câu với CSGT là cả hai xe chở quặng đều được đi ngay. Xong việc, người đàn bà lên xe đưa thẳng hai xe này về kho. Để những xe chở quặng rõ ràng vi phạm luật giao thông như thế vẫn bò được từ Bảo Lâm (Cao Bằng) qua Vị Xuyên (Hà Giang) rồi về đến Lào Cai mà không bị bắt giữ thì chắc là các tài xế đã phải "làm luật" rất nặng. Dù phải qua nhiều trạm, nhưng lợi nhuận thu được từ những lô xuất quặng quá lớn nên thừa sức để bù đắp những chi phí dọc đường. Người đàn bà làm việc với CSGT trong vài phút chắc chắn phải là người có "máu mặt" tại Lào Cai.

Quay trở lại với con số 400 tấn quặng chì được xuất lộ liễu ngay giữa ban ngày tại sông Nậm Thi ở bài trước, nhiều người sẽ băn khoăn là làm sao lại có con số này? Đó không phải là con số mù mờ. Những ngày cuối tháng 4, có hai đợt xe từ Cao Bằng sang Hà Giang về Lào Cai: một đợt 7 chiếc và đợt còn lại 4 chiếc. Mỗi chiếc chở khoảng 40 tấn, nên nếu làm tròn sẽ ra con số này. Thực tế là các xe này có thể chở nặng hơn nữa và giá xuất sang bên kia biên giới sẽ không chỉ dừng ở con số 30 triệu đồng/tấn quặng chì. Với số tiền khoảng 4 tỷ đồng thu về từ đợt xuất lậu lô hàng này, chủ lô hàng hoàn toàn có thể bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng hoặc hơn để "làm luật" từ A đến Z. Lợi nhuận kếch xù chính là lý do để tình trạng chảy máu tài nguyên quốc gia vẫn tiếp tục diễn ra tại điểm xuất lậu là Lào Cai và từ các nguồn cung thuộc các tỉnh khác.

Qua gần một tháng (giữa tháng 4 đến đầu tháng 5-2012) theo sát những hoạt động của nhiều nguồn hàng và quá trình vận chuyển, xuất lậu quặng một đơn vị, chúng tôi tính nhẩm chỉ riêng đơn vị này đã xuất được gần 1.000 tấn quặng chì sang bên kia biên giới. Tính ra, sau một tháng xuất lậu chỉ riêng quặng chì, đơn vị này đã thu về tổng số khoảng 30 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận có thể lên tới 10 tỷ đồng. Bởi vì 10 tỷ đồng cũng chính là khoản tiền mà đơn vị này có trách nhiệm phải nộp về ngân sách nhà nước nếu đây là lượng quặng được phép xuất khẩu.

***


Xuất lậu quặng thô mới nhìn có vẻ mang lại cho các doanh nghiệp nhỏ những khoản lợi nhuận lớn. Nhưng nếu xét tổng thể, xuất lậu quặng thô không bao giờ có lợi hơn xuất lậu quặng tinh hoặc xuất khẩu những sản phẩm cụ thể. Chính phủ hoàn toàn có lý khi cấm xuất khẩu quặng thô. Bởi vì xuất khẩu quặng thô chẳng khác nào đào nguồn lực của tương lai để nuôi hiện tại. Còn việc xuất khẩu lậu quặng thô - nói văn vẻ như một nhà văn phố núi Lào Cai thì bọn khai thác, xuất lậu chẳng khác nào những con bọ, con rệp đang dồn hết sức, bằng mọi thủ đoạn chạy đua để... "hút máu" tương lai. Những hành vi vi phạm pháp luật nói trên cần phải được xử lý nghiêm minh, vừa để giữ nghiêm phép nước, vừa thể hiện sự tôn trọng của hiện tại với tương lai của đất nước - khi quản lý, sử dụng có hiệu quả những nguồn khoáng sản quý giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Bòn rút tài nguyên, coi thường phép nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.