Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có tật giật mình

THUHANG| 05/07/2003 09:06

Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu cách mà chính quyền Mỹ đang làm nhằm bảo vệ điều gì, cho dù, theo biện luận của những người hoạch định chính sách Oa-sinh-tơn, quyết định này dựa trên đạo luật bảo vệ quân nhân Mỹ, được Quốc hội thông qua năm ngoái, nhưng rõ ràng, đây đang là việc trái với dư luận...

Việc ngày 1-7 Lầu Năm Góc ra thông báo đình chỉ viện trợ quân sự với 35 quốc gia vì những nước này ủng hộ Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và từ chối ký hiệp định song phương với Mỹ về miễn trừ truy tố công dân Mỹ trước ICC, khiến người ta liên tưởng đến “chiếc gậy” và “củ cà rốt”, của “chú Sam”, ỷ mạnh nhằm trói buộc những nước đang bị lệ thuộc vào đồng đô la của Mỹ, phải uốn theo ý Oa-sinh-tơn.

ICC là một tổ chức quốc tế, được thành lập tháng 7-2002 và chính thức đi vào hoạt động đầu năm nay. Đây là tòa án thường trực quốc tế đầu tiên xét xử các cá nhân phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người. ICC có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) với 18 thẩm phán và 1 trưởng công tố. ICC được thành lập với sự nhất trí cao của 137 quốc gia và có 90 nước đã phê chuẩn. Trong thời gian cầm quyền, Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn đã ký hiệp ước thành lập tòa án này, song sau đó, chính quyền G.Bu-sơ lại từ chối phê chuẩn hiệp ước. Trong hơn 1 năm qua, Oa-sinh-tơn đã ký hiệp định miễn trừ xét xử với 44 nước nhưng chưa một quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu (EU) tham gia hiệp định song phương với Mỹ.

Sự việc 35 quốc gia bị đình chỉ viện trợ quân sự từ Mỹ thực ra đã là điều được cảnh báo, khi Nhà Trắng liên tục đưa ra và đặt thời hạn chót là đến hết ngày 30-6, các nước đã ký và phê chuẩn hiệp ước về thành lập ICC phải ký hiệp định miễn trừ song phương với Mỹ, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Như vậy, với những gì vừa diễn ra, Nhà Trắng đã giương “cây gậy” và kéo theo đó là thu nhỏ “bầu sữa” vốn lâu nay vẫn được chính quyền Mỹ cấp rót có hạn định. Cách hành xử này của Nhà Trắng từ trước tới nay chẳng khiến ai ngạc nhiên. Có chăng, hệ quả của nó mới là khó lường, tạo ra một sức ép nặng nề về kinh tế đối với những nước nghèo đang phải phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Đơn cử như Cô-lôm-bi-a, nằm trong danh sách 35 nước trên, sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì mỗi năm quốc gia này nhận tới 100 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ...

Từ sự việc mà nói rộng ra, thế giới đang có những đổi thay từ sau sự kiện 11-9 và cũng kể từ đó, chính quyền Mỹ luôn muốn hướng thế giới vào một trật tự mới có lợi cho các nhà tài phiệt Mỹ. Việc ICC từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay có ngáng trở con đường mà Mỹ đang đi hay không vẫn là điều cần phải trao đổi, nhưng rõ ràng đây đang là nỗi ám ảnh vô hình đối với các cá nhân, các tổ chức phạmcác tội ác chiến tranh và những tội ác nghiêm trọng khác theo công ước quốc tế.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu cách mà chính quyền Mỹ đang làm nhằm bảo vệ điều gì, cho dù, theo biện luận của những người hoạch định chính sách Oa-sinh-tơn, quyết định này dựa trên đạo luật bảo vệ quân nhân Mỹ, được Quốc hội thông qua năm ngoái, nhưng rõ ràng, đây đang là việc trái với dư luận. Trong khi Nhà Trắng luôn lăm le động binh thì việc ICC đi vào hoạt động cũng chính là để ngăn ngừa hiểm họa, tội ác chiến tranh nhằm xây dựng một nền hòa bình. Những cung cách mà chính quyền Mỹ đang thể hiện khiến dư luận thất vọng. ủy ban châu Âu (EC) ngày 2-7 đã tỏ ý lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, người phát ngôn EC đã bác lại lập luận của Mỹ cho rằng ICC có thể trở thành nơi truy tố các công dân Mỹ do động cơ chính trị và nêu rõ ICC có thể bảo đảm sự công bằng cho các công dân Mỹ. Ông E.Lát-xu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố, nước này không đồng tình với bất kỳ hành động nào cản trở việc thiết lập ICC. Cựu Tổng thống Mỹ G.Ca-tơ cũng đã lên tiếng ủng hộ việc thành lập ICC. Hẳn ông Bu-sơ cùng các cộng sự có tật thì mới giật mình.

Thanh Hải

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có tật giật mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.