Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Nhật Tân

HONGHAI| 02/05/2004 15:14

Làng Nhật Tân ở phía Tây Bắc Hồ Tây, kề cận làng Quảng Bá. Thời phong kiến, làng này là một phường, có tên là Nhật Chiêu, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (Kinh đô Thăng Long thời Lê); từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; từ năm 1889 thuộc tỉnh Cầu Đơ (năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Làng Nhật Tân ở phía Tây Bắc Hồ Tây, kề cận làng Quảng Bá. Thời phong kiến, làng này là một phường, có tên là Nhật Chiêu, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên (Kinh đô Thăng Long thời Lê); từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; từ năm 1889 thuộc tỉnh Cầu Đơ (năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

 Đến năm 1915, phường đổi thành xã Nhật Chiêu thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1942, xã lại đổi thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, thuộc xã Quảng Tân, quận 1 Ngoại thành của chính quyền ta. Sau Cải cách ruộng đất (giữa năm 1956), tách ra thành xã Nhật Tân, gồm bốn thôn Đông - Nam - Tây - Bắc thuộc quận 5; đến năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm; từ đầu năm 1996, xã Nhật Tân chuyển thành phường, thuộc quận Tây Hồ.

Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi, trong đó bãi là chủ yếu. Dân làng sống chủ yếu bằng nghề trồng đào cảnh, Kỹ thuật trồng đào của dân làng từ việc ghép cành đào bích vào gốc đào quả để tạo ra cây đào lai gốc khoẻ, mà hoa vẫn đẹp, đều, đến việc sửa tán tạo thành cây tròn, đẹp đều; đặc biệt là việc hãm đào cho nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường ... đều đạt đến trình độ điêu luyện, không đâu có thể làm được. Mỗi năm, từ 20 tháng Chạp trở đi, đào Nhật Tân được đem bán tập trung ở chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, đem đến sắc xuân cho mọi nhà.

Nhật Tân có ông Vũ Tuấn Chiêu đỗ Trạng nguyên khoa ất Mùi đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1475), là một trong bốn vị Trạng nguyên của Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến. Về sau, ông làm quan đến Lại bộ Tả Thị lang.

Mảnh đất Nhật Tân từng ghi lại hai sự kiện lịch sử của đất nước thời phong kiến. Một là, vào năm Kỷ Tỵ (1509), Vua Lê Uy Mục bị Giản Tu công Oanh cướp ngôi, phải chạy về phuờng Nhật Chiêu rồi bị bắt, trên đwòng bị giải về kinh đô đã uống thuốc độc tự tử. Hai là, ở gần ngã ban Nhật Tân, nơi có hai cây gạo bên đường có một miếu, gọi là miếu Chúa Lâm. Theo các bậc cao niên thì đây là nơi Chúa Trịnh Khải (Trịnh Tông) sau khi bị Nguyễn Trang bắt và giao cho quân Tây Sơn. Trên đường bị giải từ Hạ Lôi (Vĩnh Phúc) qua đò Chèm - đình Nhật Tảo, đến quán hàng nước ở ngã ba Nhật Chiêu, cả bọn vào nghỉ, Trịnh Tông bất ngờ đoạt lấy con dao bổ cau của bà hàng nước đâm vào cổ rồi chết. Về sau, dân làng lập ngôi miếu để thờ, gọi là miếu Chúa lâm chung (chúa chết), sau gọi tắt là miếu Chúa Lâm.

Nhật Tân xưa có một dãy bảy cây gạo cổ thụ, tương truyền do bà Lạc phi - vợ Lạc Long Quân trồng, để ứng với bảy bọ trứng do bà sinh ra, hóa thành bảy con rồng bay lên trời. Trong bài “Phú Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng sáng tác năm 1802 có nhắc đến bảy cây gạo này. ở thôn Bắc có miếu Cung, nằm dưới hai cây gạo cổ thụ trên khu đất cao ngoài bãi có, tương truyền là nơi sinh của Uy Đô - con của Hoàng hậu vợ Vua Trần Thánh Tông. Khi trưởng thành, Uy Đô đã theo Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên - Mông, lập được nhiều chiến công nên được phong là Dâm Đàm đại vương, đụoc thờ ở đình (Dâm Đàm là tên gọi khác của Hồ Tây).

Nhật Tân xưa có ba ngồi chùa, hiện chỉ còn chùa Tào Sách, được xây từ thời Tiền Lê, được tu bổ nhiều lần. Trong chùa hiện còn lưu 29 tấm bia của các thời. Chùa là điểm tham quan, hành lễ hấp dẫn của khách thập phương.

Ngày nay, Nhật Tân đang đi vào quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nơi đây rồi sẽ mọc lên các khách sạn hiện đại, sẽ trở thành điểm du lịch, nghỉ ngơi hấp dẫn, nhưng những di sản văn hóa truyền thống, nhất là những vườn đào Nhật Tân tạo ra một sản vật mang tính biểu tượng cho văn hóa Tết Thăng Long - Hà Nội cần được bảo tồn.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Nhật Tân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.