Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Hà Nội như một danh xưng

Lê Xuân Mậu| 22/02/2010 06:37

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An (HNM) - Nhà sử học Trần Quốc Vượng từng bảo, đấy là hai câu của Nguyễn Công Trứ khen người Hà Nội. Có thể ông có khảo cứ vững vàng như người ta có cơ sở để nói câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà” là từ thơ của cụ nghè Vân Đình - Dương Khuê.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Nhà sử học Trần Quốc Vượng từng bảo, đấy là hai câu của Nguyễn Công Trứ khen người Hà Nội. Có thể ông có khảo cứ vững vàng như người ta có cơ sở để nói câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà” là từ thơ của cụ nghè Vân Đình - Dương Khuê. Còn tôi cứ nghĩ rằng nếu đó là thơ của Nguyễn Công Trứ thì rất có thể lời thơ khen người xứ Huế. Vì Huế thời đó là kinh đô và có lẽ Nguyễn Công Trứ gắn bó với Tràng An - tân đô hơn là Tràng An - cựu đô. Nhưng dù sao thì người ta vẫn gắn hai câu ca dao đó vào người Hà Nội nhiều hơn.

Xin chữ đầu xuân - nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.  Ảnh: Viết Thành

“Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” - một lời khen ý nhị vừa đủ để người được khen vui mà không rơi vào sự tâng bốc nịnh bợ! Nhưng thanh lịch là thế nào? Có thể đó là một từ ghép của thanh nhã và lịch sự? Nhưng mà cứ đi theo hướng chẻ nhỏ từ ngữ ra như vậy thì rồi lại gặp những nét nghĩa trùng lặp nhau thôi. Thế thì cứ nên hiểu khái quát đi để thấy rằng đó là từ chỉ vẻ đẹp bề ngoài do dáng người, do cách ăn mặc nhã nhặn, sang trọng và đó cũng là từ chỉ vẻ đẹp trong nói năng, trong giao thiệp, ứng xử. Và nói chung, trong vẻ đẹp văn hóa của con người.

Khi ca ngợi vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội là người ta đã đối lập với người các vùng miền khác. Dễ thấy cái chất văn hóa đáng khen ngợi đó hình thành từ những điều kiện sống của người Hà Nội, ở một vùng đô thị có lịch sử cả nghìn năm. Cái giàu có vật chất hơn hẳn vùng quê của người Hà Nội là rõ. Giàu, lại có điều kiện ăn mặc, sinh hoạt cao hơn vì kinh đô là nơi tụ hội các ngành nghề dịch vụ. “Giàu xứ quê không bằng ngồi lê Hà Nội” là thế. Việc tiếp xúc với người tứ chiếng cư ngụ hay vãng lai làm cho tinh hoa tứ xứ được sàng lọc, kết tinh. Người dân Hà Nội sống trong môi trường ấy, có trình độ văn hóa, văn minh cao hơn người tứ xứ cũng là lẽ đương nhiên. Trong xã hội học người ta nêu ra thuyết “tương tác biểu trưng”, trong đó nhấn mạnh sự điều chỉnh của các cá nhân khi tiếp xúc với nhau. Cái đó có mặt tích cực là làm cho người ta phải học hỏi lẫn nhau những điều tốt, điều chỉnh những sai lệch so với chuẩn chung và tiến bộ dần lên. Cái mà Tam tự kinh bảo là “tính tương cận, tập tương viễn” là nguyên nhân của hiện tượng vừa nêu - Người ta có đặc tính gần như nhau có thể bắt chước lẫn nhau mà. Không lạ gì dù ít học hành, dân Hà Nội nói năng vẫn dễ nghe, ứng xử dễ vừa lòng nhau. Cái gọi là “lan tỏa” của phẩm chất văn hóa cũng là thế.

Cùng với điều kiện tập trung “nhân tài, vật lực” như thế ở kinh đô, các sản phẩm văn hóa dù chỉ là một bài thơ thù tạc cũng dễ lan truyền để được thưởng thức, phẩm bình. Đó là điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển, cho các văn nhân tài tử mài giũa tài năng, nhất là trong điều kiện giao thông liên lạc, phổ biến thông tin còn hạn chế trong thời đại cũng chưa hẳn đã xa. Có thể rất đúng khi nói rằng các nhân tài cỡ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ khó mà để lại tên tuổi cho đời đến thế nếu không được tôi luyện ở Hà Nội và cho rằng “cái hồn vía, linh khí, tinh chất gớm ghê của Thăng Long - Hà Nội là ở chỗ này”. Nhưng có thể cũng chưa đúng lắm khi nghĩ về những Nguyễn Khuyến, Tú Xương và ngay cả Phan Huy Chú mới được nhận là người Hà Nội. Cái trình độ văn hóa đỉnh cao quốc gia của kinh đô nhiều thời và cựu đô một thời của Hà Nội là nhờ tụ hội nguyên khí quốc gia khắp các vùng miền thật. Nhưng để đạt đến tầm cỡ quốc gia thì nhân tài các nơi cũng không hẳn là không được nhào nặn. Ngay Nguyễn Công Trứ ở tuổi tráng niên đâu đã được “nhào nặn” ở cựu đô, tân đô! Tú Xương thì có thể gần như chỉ ở cái đô thị nhỏ bé là nơi chắc cũng chỉ một ít phố, chợ quanh cái Hàng Nâu Nam Định của ông thôi. Nhưng diện mạo lớp thị dân nhố nhăng thời đó ở Hà Nội cũng chưa ai vẽ ra ghê đến thế!

Đến đây cũng nên nói lại rằng cái thanh lịch của người Tràng An cũng chỉ là cách nhìn một phía. Người Tràng An cũng là con người. Có điều những “hỉ, nộ, ai, lạc” của họ có một cách biểu hiện rất “lịch”, bằng những lời lẽ nhỏ nhẹ tinh tế, không tục tĩu thô bỉ như người ta thấy ở các vùng nông thôn. Nhưng dù có kìm nén thì cái “nộ” của họ nhiều khi lại thành những vết thương khó lành qua những “lời đau” phải nhớ đời. Người ta đã nói đến những lời mỉa mai ý nhị rất nhã nhưng cũng rất đau. Cụ Nguyễn Tuân làm nghệ thuật nên những cái “vang bóng một thời” cụ ghi lại đều là những cái đẹp - ngay cả đến việc có thể chém treo ngành! Vì vậy chẳng nên quá khuếch trương cái thanh cái lịch để mà chỉ tôn vinh phong cách Hà Nội thời xưa. Sẽ có thể còn phản cảm khi cứ nói đến chất Hà Nội gốc ở những người phải cư trú tới bốn năm đời! Phẩm chất văn hóa của một con người hình như cũng ít phụ thuộc vào gen. Nó là thứ hình thành do môi trường sống và năng lực hấp thu, sàng lọc cũng như nghị lực luyện rèn của cá nhân. Việc nói đến cái chất người Hà Nội chỉ nhấn phẩm chất tốt và chỉ nói đến cơ sở “địa - văn hóa” là điều chưa chắc đã hay. Nhận đúng cái hay xưa, sàng lọc lấy cái hữu ích và cả thanh lọc những cái dở có lẽ mới có ích cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng. Có thật còn là hay cái sự cung kính, tự khiêm đến hài hước như nhiều khi ta vẫn gặp? Cái lịch sự, nhỏ nhẹ dùng ngôn từ ôn hòa trước những tàn dư phong kiến ở khá nhiều nhân viên công vụ thời nay cũng có phải là phẩm chất văn hóa cần đề cao? Thiết nghĩ đó là vấn đề chung đối với văn hóa ứng xử của con người thanh lịch hôm nay. Con người thanh lịch này không kèm theo địa danh Tràng An, hay Hà Nội và cả Hà Nội 1, Hà Nội 2. Con người thanh lịch này là con người Việt Nam, có thể đó là con người có cựu quán Thanh Nghệ hay vùng quê “cầu tõm” hôm qua. Khi mà một Saccôdi gốc Hunggari đã thành Tổng thống Pháp. Khi mà một Obama gốc Phi đã thành Tổng thống Mỹ thì lôi lý lịch Hà Nội gốc ra khoe để làm gì. Mấy bạn trẻ đương chức tôi quen cho biết họ đang phải làm lại lý lịch, trong đó không chỉ khai đến tam đại (ông bà nội) của mình mà cả của vợ, chồng mình. Có người hỏi vợ, vợ cũng không biết tên các cụ nhà mình!!! Có lẽ cần biểu dương mấy anh nhập cư chưa lâu mà có phong cách Hà Nội hơn cả Hà Nội gốc.

Rất có thể những lời này sẽ mạo phạm mấy ông có khai sinh ở phố Hàng Cót, Hàng Đào. Nhưng dù không có khai sinh ở Hà Nội, thực tế tôi vẫn sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở đây. (Các anh tôi đều hữu sinh vô dưỡng. Tôi sinh ra rất khó nuôi, có lúc đã tưởng “đi” theo các anh rồi, các cụ phải bán khoán cho Đức Thánh Trần, cho làm con nuôi… cả năm sau mới mang về quê khai sinh). Rất tiếc là tôi chưa có được phong cách đáng biểu dương của những con người tinh hoa của Hà Nội.

Và tôi rất phục mấy anh mới nhập cư tôi nói trên nên cứ thành thật viết ra. Mong các vị người Hà Nội gốc thông cảm.

Về cuộc thi viết "Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"
Cuộc thi còn một chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.


BTC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Hà Nội như một danh xưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.