Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chính thức vào hội 1000 năm

H.V| 01/10/2010 09:50

(HNMO) - Sau rất nhiều những ngày tháng hân hoan đón chờ, sáng nay, 1/10, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được long trọng khai mạc trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội


Tới dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Phạm Thế Duyệt.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đọc Diễn văn khai mạc. 


Về phía lãnh đạo Thành phố có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh.

 >>Mời xem toàn văn Diễn văn khai mạc của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tại đây

Tới dự Đại lễ còn có đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong cả nước; đại diện các bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sỹ, trí thức, tôn giáo, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô cùng bạn bè quốc tế, các đoàn ngoại giao, đại diện UNESCO một số nước, đại diện lãnh đạo một số thành phố trên thế giới…

Buổi lễ khai mạc Đại lễ bắt đầu bằng nghi lễ thắp lửa thiêng do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thực hiện. Trong tiếng trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ, ngọn lửa thiêng đã được thắp lên trên đài đuốc, chính thức mở màn cho 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tiếp đó, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố đã làm lễ dâng hương trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ.

Trong diễn văn khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tổ tiên trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

“Từ buổi bình minh dựng nghiệp lớn, cách đây đúng 1000 năm, đức vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy vầng dương của vận nước... Cuộc dời đô từ Hoa Lư về Đại La đã mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt”, Bí thư Thành ủy nói.

Kể từ đó, lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không ngừng được bồi đắp bằng những kỳ tích anh hùng. Dù phải vượt qua bao thử thách, truyền thống Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn bừng sáng với những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ trên không… Khát vọng vươn lên của Thăng Long - Hà Nội còn được thể hiện bởi ý chí văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị - đó cũng là những giá trị tốt đẹp của Hà Nội, Việt Nam.

Càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Thủ đô khi Thăng Long - Hà Nội không chỉ là mảnh đất để những danh nhân, anh hùng nở hoa, chung tay góp sức xây dựng Thủ đô mà còn là nơi hội tụ và tiếp thu các giá trị văn hóa Việt Nam và nhân loại. Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định, quá khứ hào hùng, hồn thiêng sông núi sẽ là động lực để Hà Nội tiếp tục vươn lên, xứng đáng với vị thế là Thủ đô của đất nước, Thành phố Vì Hòa bình của thế giới.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Bokova, đã trao bằng Di sản văn hoá thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.


Trong dịp lễ trọng của dân tộc, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đích thân Tổng Giám đốc UNESCO, bà Bokova, đã trao bằng Di sản văn hoá thế giới khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long cho Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.

Chia sẻ niềm vui này với Hà Nội, Tổng giám đốc UNESCO cho biết, bà rất vinh hạnh được tham dự sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam: Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bà cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với các giá trị truyền thống, văn hiến của 1000 năm Thăng Long- Hà Nội vì rất ít nước trên thế giới gìn giữ được những giá trị lâu bền và tốt đẹp này. Theo bà Bokova, việc Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới vừa là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm mới của mỗi người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với nhân loại.

“Các bạn có trách nhiệm với nhân loại, bảo vệ, quảng bá di sản này cho các thế hệ tương lai", bà Irina Bokova nói.

Lễ khai mạc khép lại khi hàng trăm con chim bồ câu được thả lên trời, được nâng đỡ đôi cánh tự do bằng những điệu múa, lời ca, tiếng hát ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước của các nghệ sỹ.

Lễ khai mạc kết thúc cũng là lúc bắt đầu phần hội tại các sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Được biết, các chương trình này sẽ kéo dài cho tới tận chiều nay.

Ngày khai mạc Đại lễ sẽ mở màn cho trên 50 hoạt động khác nhau trong 10 ngày Đại lễ. Có thể kể tới các hoạt động văn hoá nghệ thuật như “Đêm Hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống” tại xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (đêm 1/10), Biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ (đêm 4/10), Biểu diễn Âm nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam tại Nhà hát lớn (đêm 5/10), Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời (đêm 9/10), Chương trình Lễ hội đường phố của Tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (đêm 8/10)…

Hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 và 18 Hoàng Diệu sẽ khai mạc ngày 2/10. Kế tiếp đó, trong 10 ngày Đại lễ có nhiều triển lãm như: Triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam (khai mạc chiều 4/10), Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (khai mạc chiều 4/10), Triển làm Những tấm lòng với Thăng Long Hà Nội tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị (sáng 6/10)…

Cũng trong dịp Đại lễ sẽ có liên hoan ẩm thực Hà thành tại công viên nước Hồ Tây (tối 6/10), liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (sáng 6/10), Liên hoan du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn (đêm 2/10)…

Nhiều công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng sẽ được khánh thành trong dịp Đại lễ như khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn (tại công viên Thống Nhất),Công viên Hoà Bình, Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công nhân,…

“Con đường gốm sứ” cùng được khánh thành trong dịp này (5/10). Đặc biệt hơn, Tổ chức Kỷ lục Guinness sẽ có mặt tại buổi lễ khánh thành “Con đường gốm sứ” và trao bằng chứng nhận “Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới’.

Sự kiện quan trọng trong dịp Đại lễ là Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra sáng 10/10 tại Quảng trường Ba Đình. Đây là chương trình mít tinh, diễu binh diễu hành cấp quốc gia quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 31.000 người.

Đêm hội văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình (đêm 10/10) dự kiến sẽ là đêm nghệ thuật hoành tráng được “chốt” lại bằng màn bắn pháo hoa nghệ thuật. Màn bắn pháo hoa tại 28 điểm khác nhau trên toàn Thành phố ngay sau đó sẽ khép lại 10 ngày Đại lễ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chính thức vào hội 1000 năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.